Tòa án áp dụng không đúng quy định pháp luật về phần trách nhiệm dân sự, biện pháp tư pháp

Qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm đối với vụ án Lê Thị Phương phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội thông báo đến Viện kiểm sát các địa phương thuộc khu vực phía Bắc để rút kinh nghiệm trong vấn đề áp dụng pháp luật, cụ thể như sau:

1. Nội dung và quá trình giải quyết vụ án

Ngày 21/5/2020. Lê Thị Phương thuê xe ôtô Nissan Navara BKS 40C-121.32 trị giá 450.000.000 đồng của anh Phan Văn Tâm ở khối phố VT, phường VY. thành phố HT, tỉnh HT để làm phương tiện đi lại và cho thuê lại hưởng tiền chênh lệch. Đến ngày 26/5/2020 do cần tiền trả nợ và chi tiêu cá nhân nên Phương đã cầm cố chiếc xe trên cho ông Trần Đình Công ở khối HY phường TĐ, thành phố V, tỉnh NA để vay tổng số tiền 321.000.000 đồng. Hết hạn thuê xe, anh Tâm đã nhiều lần yêu cầu trả xe nhưng Phương không có khả năng trả nợ cho ông Công đề chuộc xe về trả lại cho anh Tâm.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 45/2021/HS-ST ngày 16/7/2021 của Tòa án nhân dân thành phố HT áp dụng khoán 3 Điều 175; điếm n, s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo Lê Thị Phương 07 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Về trách nhiệm dân sự: Căn cứ khoản 1 Điều 295, Điều 309 Bộ luật Dân sự; Điều 29 Nghị định 96/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ; Thông tư số 13/1999/TT-BTM ngày 19/5/1999 của Bộ Thương Mại, không chấp nhận yêu cầu của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Trần Đình Công về việc yêu cầu bị cáo Lê Thị Phương bồi thường số tiền 321.000.000 đồng.

Về biện pháp tư pháp: Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 47 Bộ luật Hình sự truy thu sung vào ngân sách Nhà nước số tiền 321.000.000 đồng của Lê Thị Phương.

Về án phí: Căn cứ khoản 2 Điều 135, khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự; điểm a, c khoản 1 Điều 23, khoản 1, 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/ƯBTVQH14 ngày 30/12/2016 của ủy ban Thường vụ Quốc hội buộc bị cáo Lê Thị Phương phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm: ông Trần Đình Công phải chịu 16.050.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 12/2022/HS-PT ngày 27/01/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh HT bác toàn bộ kháng cáo của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là ông Trần Đình Công, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm về phần trách nhiệm dân sự, biện pháp tư pháp và án phí.

Tại Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 29/QĐ-VC1-V3 ngày 14/7/2022. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đề nghị ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử giám đốc thấm theo hướng sưa Bản án hình sự phúc thẩm số 12/2022/HS-PT ngày 27/01/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh HT về phần trách nhiệm dân sự, biện pháp tư pháp và án phí dân sự.

Tại Quyết định giám đốc thẩm số 43/2022/HS-GĐT ngày 30/8/2022 của ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội, sửa Bản án hình sự phúc thẩm số 12/2022/HS-PT ngày 27/01/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh HT về phần trách nhiệm dân sự, biện pháp tư pháp và án phí dân sự. Buộc bị cáo Lê Thị Phương phải trả lại cho ông Trần Đình Công số tiền 321.000.000 đồng. Không truy thu số tiền 321.000.000 đồng của Lê Thị Phương để sung ngân sách nhà nước. Buộc Lê Thị Phương phải chịu 16.500.000 đồng án phí dân sự có giá ngạch; ông Công không phải nộp án phí dân sự phúc thẩm và được nhận lại số tiền tạm ứng án phí đã nộp tại chi cục Thi hành án dân sự thành phố HT, tỉnh HT.

2. Những vấn đề cần giúp kinh nghiệm

Về trách nhiệm dân sự, biện pháp tư pháp và án phí dân sự:

Khi Lê Thị Phương cầm cố xe ô tô Nissan Navara BKS 40C-121.32 thì Phương đã đưa cho cho ông Trần Đình Công 01 Giấy chứng nhận đăng ký xe, 01 Giấy đăng kiểm và 01 Giấy chứng minh nhân dân mang tên Lê Thị Phương. Mặc dù Giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô mang tên Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Cường Anh nhưng Phương nói công ty Cường Anh và xe ô tô BKS 40C-121.32 là của Phương nên ông Công tin tưởng, nhận cầm cố xe ô tô với tổng số tiền 321.000.000 đồng. Quan hệ pháp luật giữa Lê Thị Phương và ông Trần Đình Công là quan hệ pháp luật dân sự.

Theo khoản 4 Điều 29 Nghị định số 96/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ): Đối với những tài sản cầm cố thuộc sở hữu của người thứ ba phải có văn bản ủy quyền hợp lệ của chủ sở hữu. 

Theo quy định tại điểm c khoản I Điều 117; Điều 122; Điều 131 Bộ luật Dân sự, trong trường hợp này giao dịch dân sự giữa Lê Thị Phương và ông Trân Đình Công đã bị vô hiệu. Do vậy, Lê Thị Phương phải trả lại ông Công số tiền đã vay là 321.000.000 đồng.

Việc Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng số tiền 321.000.000 đồng là tiền thu lời bất chính do phạm tội mà có, từ đó tuyên tịch thu sung ngân sách nhà nước số tiền này và buộc ông Trần Đình Công phải nộp 16.050.000 đồng án phí dân sự có giá ngạch là không đúng quy định của pháp luật.

Do Bản án sơ thẩm và phúc thẩm có vi phạm trong việc áp dụng pháp luật dân sự, biện pháp tư pháp và án phí như đã nêu và phân tích ở trên nên bản án giám đốc thẩm đã sửa Bán án hình sự phúc thẩm số 12/2022/HS-PT ngày 27/01/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh HT về phần trách nhiệm dân sự, biện pháp tư pháp và án phí dân sự để khắc phục các vi phạm.

Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội thông báo để Viện kiếm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trong khu vực nghiên cửu, rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự./.


Previous Post Next Post

{Dân sự}

{Trao đổi nghiệp vụ}