Vi phạm trong xác định trách nhiệm bồi thường dân sự, phạm vi xét xử trong vụ án hình sự

Rút kinh nghiệm đối với vụ án Phan Thị Ngọc Diệp và đồng phạm, phạm tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” tại Tp.HCM

Qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử giám đốc thẩm vụ án này, Viện kiểm sát nhân dân tối cao thấy một số vấn đề cần thông báo rút kinh nghiệm như sau:


1. Nội dung vụ án và quá trình tố tụng

Năm 1993, Công ty Xuất nhập khẩu ngành in Hà Nội thành lập Chi nhánh Công ty xuất nhập khẩu ngành in tại Tp.HCM và bổ nhiệm Nguyễn Khắc Sơn là Trưởng chi nhánh. Trong thời gian hoạt động kinh doanh từ năm 1999 đến tháng 5/2004, Nguyễn Khắc Sơn lợi dụng Phương Đình Chiến (Giám đốc Công ty) và Nguyễn Văn Quân (Kế toán trưởng) thiếu kiểm tra, giám sát đã chỉ đạo Phan Thị Ngọc Diệp (Thủ quỹ của chi nhánh) lập phiếu thu tiền ít hơn tiền thực nhận thanh toán nhằm mục đích chiếm đoạt 60.421.181.779 đồng. Sau đó, để hợp thức các khoản thu, chi, Sơn chỉ đạo Nguyễn Thị Thu Vân (Kế toán chi nhánh) ký các chứng từ (phiêu thu, phiêu chi, hóa đơn, séc, ủy nhiệm chi) để làm báo cáo tài chính không đúng với tình hình thực tế kinh doanh báo cáo về Công ty Xuất nhập khẩu ngành in Hà Nội.

Ngoài ra, Nguyễn Khắc Sơn ký hợp đồng kinh tế bán giấy cho các Công ty Công Đức, Âu Á, Thiên Tường của Huỳnh Quốc Dũng nhưng thực tế thỏa thuận với Dũng đem hợp đồng kinh tế đã ký kết thế chấp Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương chi nhánh tỉnh Bình Dương và Ngân hàng Agribank Chi nhánh 10 Tp.HCM nhằm chiếm đoạt 8.023.719.367 đồng.

Đối với Phan Thị Ngọc Diệp lập hệ thống sổ sách, phiếu thu, phiếu chi không đúng tình hình kinh doanh thực tế để cân đối tài chính, làm báo cáo thuế, báo cáo kết quả kinh doanh với Công ty xuất nhập khẩu ngành in tại Hà Nội. Bằng thủ đoạn này tạo điều kiện để Nguyễn Khắc Sơn chiếm đoạt 60.421.181.779 đồng. Với vai trò thủ quỹ, Phan Thị Ngọc Diệp đã giúp sức cho Nguyễn Khắc Sơn chiếm đoạt tiền của Nhà nước, hành vi đã cấu thành tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” được quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Đối với Phương Đình Chiến, Nguyễn Văn Quân quá trình quản lý điều hành, không chấp hành nghiêm túc các quy định của Nhà nước, buông lỏng quản lý, không kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh của Chi nhánh Công ty xuất nhập khẩu ngành in tại Tp.HCM dẫn đến Nguyễn Khắc Sơn chiếm đoạt được 68.444.901.145 đồng của Nhà nước. Hành vi thiếu trách nhiệm trong quản lý điều hành của Phưong Đình Chiến, Nguyễn Văn Quân cấu thành tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” được quy định tại khoản 2 Điều 285 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Đối với Nguyễn Thị Thu Vân là kế toán đã thực hiện theo chỉ đạo của Nguyễn Khắc Sơn ký các chứng từ (phiếu thu, phiếu chi, hóa đơn, séc, ủy nhiệm chi) mà không đối chiếu, kiểm tra lại các hoạt động kinh doanh, mua bán hàng hóa thực tế tại Chi nhánh. Do vậy, không phát hiện các báo cáo thuế và báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh của Chi nhánh là số liệu giả, vì vậy Nguyễn Khắc Sơn đã che dấu được hành vi chiếm đoạt tiền với Công ty xuất nhập khẩu ngành in Hà Nội. Hành vi thiếu trách nhiệm khi thực hiện nhiệm vụ kế toán đã cấu thành tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” được quy định tại khoản 2 Điều 285 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Riêng Nguyễn Khắc Sơn đã bỏ trốn và tẩu tán toàn bộ tài sản, hiện không có cơ sở để kê biên thu hồi tài sản cho Nhà nước.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 439/2019/HS-ST ngày 13/11/2019, Tòa án nhân dân Tp.HCM quyết định áp dụng khoản 3 Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999 xử phạt Phan Thị Ngọc Diệp 03 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; áp dụng khoản 2 Điều 285 Bộ luật Hình sự năm 1999 xử phạt Phương Đình Chiến, Nguyễn Thị Thu Vân 03 năm tù nhưng cho hưởng án treo; xử phạt Nguyễn Văn Quân 03 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Căn cứ Điều 30 Bộ luật Tố tụng hình sự: Tách phần dân sự về vấn đề bồi thường thiệt hại trong vụ án để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự (khi nào bắt được Nguyễn Khắc Sơn sẽ xử lý theo quy định của pháp luật).


Căn cứ Điều 130 Bộ luật Tố tụng hình sự, hủy bỏ lệnh kê biên đối với các căn nhà của Phan Thị Ngọc Diệp, Phương Đình Chiến, Nguyễn Văn Quân, Nguyễn Thị Thu Vân.

Sau khi xét xử sơ thẩm, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tp.HCM quyết định kháng nghị tăng hình phạt các bị cáo Phan Thị Ngọc Diệp, Phương Đình Chiến, Nguyễn Văn Quân, Nguyễn Thị Thu Vân và buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường thiệt hại: Phan Thị Ngọc Diệp bồi thường 35% là 23.955.715.401 đồng, Phương Đình Chiến bồi thường 25% là 17.111.225.287 đồng, Nguyễn Văn Quân bồi thường 20% là 13.688.980.229 đồng, Nguyễn Thị Thu Vân bồi thường 20% là 13.688.980.229 đồng nên tiếp tục kê biên tài sản của các bị cáo trong vụ án, đảm bảo thi hành án.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao Tp.HCM rút một phần kháng nghị về phần đề nghị tăng hình phạt và không cho bị cáo Phan Thị Ngọc Diệp hưởng án treo, Tòa án nhân dân cấp cao tại Tp.HCM quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm một phần Quyết định kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tp.HCM đề nghị tăng hình phạt bị cáo Phan Thị Ngọc Diệp và không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Nguyễn Văn Quân. Chấp nhận quyết định kháng nghị phúc thẩm của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tp.HCM về phần trách nhiệm dân sự, sửa bản án sơ thẩm buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường trách nhiệm dân sự: Phan Thị Ngọc Diệp bồi thường 35% là 23.955.715.401 đồng; Phương Đình Chiến bồi thường 25% là 17.111.225.287 đồng; Nguyễn Văn Quân bồi thường 20% là 13.688.980.229 đồng; Nguyễn Thị Thu Vân bồi thường 20% là 13.688.980.229 đồng cho Công ty cồ phần xuất nhập khẩu ngành in Hà Nội.

Căn cứ Điều 128 Bộ luật Tố tụng hình sự tiếp tục kê biên đối với các tài sản là nhà của Phan Thị Ngọc Diệp, Nguyễn Văn Quân, Nguyễn Thị Thu Vân. Giành quyền khởi kiện cho bị cáo Phan Thị Ngọc Diệp, Phương Đình Chiến, Nguyễn Văn Quân, Nguyễn Thị Thu Vân đối với Nguyễn Khắc Sơn bằng vụ án dân sự khác.

Ngày 07/3/2023, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 01/2023/KN-HS hủy Bản án hình sự phúc thẩm số 182/2021/HS-PT ngày 5/4/2021 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Tp.HCM. Tại phiên tòa giám đốc thẩm, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Chánh án Tòa án nhân dân tôi cao, hủy Bản án hình sự phúc thẩm và Bản án hình sự sơ thẩm quyết định về phần dân sự để xét xử sơ thẩm lại về các nội dung sau:

Hủy biện pháp tư pháp: buộc Phan Thị Ngọc Diệp bồi thường 35% thiệt hại là 23.955.715.401 đồng, Phương Đình Chiến bồi thường 25% thiệt hại là 17.111.225.287 đồng, Nguyễn Văn Quân bồi thường 20% thiệt hại là 13.688.980.229 đồng, Nguyễn Thị Thu Vân bồi thường 20% thiệt hại là 13.688.980.229 đồng cho Công ty cổ phần xuất nhập khẩu ngành in Hà Nội.

Hủy quyết định tiếp tục kê biên đối với tài sản của các bị cáo Phan Thị Ngọc Diệp, Nguyễn Văn Quân và Nguyễn Thị Thu Vân.

Hủy nội dung giành quyền khởi kiện cho bị cáo Phan Thị Ngọc Diệp, Phương Đình Chiến, Nguyễn Văn Quân, Nguyễn Thị Thu Vân đối với Nguyễn Khắc Sơn bằng vụ án dân sự khác.

Hủy Bản án hình sự sơ thẩm số 439/2019/HSST ngày 13/11/2019 của Tòa án nhân dân Tp.HCM về phần quyết định: “Tách phần dân sự về vấn đề bồi thường thiệt hại trong vụ án để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự (Khi nào bắt được bị can Nguyễn Khắc Sơn sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật)”.

2. Những vấn đề cần rút kinh nghiệm

Về việc tuyên chưa chính xác tên tội danh

Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm xử phạt bị cáo Phan Thị Ngọc Diệp về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về trật tự quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng” là thừa hai chừ “trật tự”. Theo quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999, hành vi phạm tội của Diệp cấu thành tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Về trách nhiệm bồi thường dân sự

Theo quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015, căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đặt ra đối với người có hành vi “xâm phạm tài sản mà gây thiệt hại”. Trong vụ án này, Phương Đình Chiến, Nguyễn Văn Quân, Nguyễn Thị Thu Vân phạm tội do lỗi vô ý, không có ý thức chiếm đoạt tài sản và không được hưởng lợi từ số tiền 68.444.901.146 đồng mà Nguyễn Khắc Sơn chiếm đoạt nên không phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường.

Do đó, Tòa án nhân dân Tp.HCM chấp nhận quyết định kháng nghị phúc thẩm của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tp.HCM, sửa bản án sơ thẩm về phần trách nhiệm dân sự, buộc Phan Thị Ngọc Diệp bồi thường 35% thiệt hại là 23.955.715.401 đồng, Phương Đình Chiến bồi thường 25% thiệt hại là 17.111.225.287 đồng, Nguyễn Văn Quân bồi thường 20% thiệt hại là 13.688.980.229 đồng, Nguyễn Thị Thu Vân bồi thường 20% thiệt hại là 13.688.980.229 đồng cho Công ty cổ phần xuất nhập khẩu ngành in Hà Nội là chưa chính xác, không đúng quy định của pháp luật.

Về việc tách phần dân sự trong vụ án hình sự

Quá trình điều tra xác định, Phan Thị Ngọc Diệp với vai trò thủ quỹ đã giúp sức cho Nguyễn Khắc Sơn chiếm đoạt 60.421.181.779 đồng. Nguyễn Khắc Sơn bỏ trốn, tẩu tán tài sản, hiện đang bị truy nã nên chưa thể buộc Sơn chịu trách nhiệm bồi thường. Vì vậy, với vai trò giúp sức, Diệp phải bị liên đới bồi thường số tiền 60.421.181.779 đồng cho Công ty xuất nhập khâu ngành in Hà Nội. Nhưng khi xét xử, Tòa án nhân dân Tp.HCM quyết định tách phần dân sự để không giải quyết là không đúng theo quy định tại Điều 30 Bộ luật Tố tụng hình sự: “Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với với giải quyết vụ án hình sự”. Tòa án nhân dân Tp.HCM đã giải quyết không triệt để vấn đề dân sự trong vụ án hình sự.

Về phạm vi xét xử phúc thẩm

Theo quy định của Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự, thẩm quyền của Tòa án cấp phúc thẩm khi sửa bản án sơ thẩm về phần trách nhiệm dân sự là giảm mức bồi thường thiệt hại và sửa quyết định xử lý vật chứng hoặc tăng mức bồi thường thiệt hại. Đối với vụ án này, Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định tách phần dân sự về vấn đề bồi thường thiệt hại để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm chưa xem xét về phần trách nhiệm dân sự nhưng Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát đề buộc các bị cáo Phan Thị Ngọc Diệp, Phương Đình Chiến, Nguyễn Văn Quân, Nguyễn Thị Thu Vân phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường số tiền 68.444.901.146 đồng là vi phạm phạm vi xét xử phúc thẩm (vấn đề Tòa án cấp sơ thẩm chưa xem xét nhưng Tòa án cấp phúc thẩm lại quyết định) làm mất quyền kháng cáo của các bị cáo.

Trong trường hợp này, Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm tách phần dân sự trong vụ án hình sự nhưng Tòa án cấp phúc thẩm không quyết định hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại mà quyết định trách nhiệm bồi thường dân sự cho các bị cáo là vi phạm phạm vi xét xử phúc thẩm.

Quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử, Viện kiểm sát nhân dân Tp.HCM có quan điểm chưa chính xác cho rằng cần buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường trách nhiệm dân sự. Sau khi xét xử sơ thẩm, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Tp.HCM không phát hiện ra sai sót này mà quyết định kháng nghị phúc thẩm theo hướng sửa bản án sơ thẩm về phần trách nhiệm dân sự buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường trách nhiệm dân sự là không đúng pháp luật nên cần phải rút kinh nghiệm.

Trên đây là những vấn đề cần rút kinh nghiệm. Viện kiểm sát nhân dân tối cao thông báo để các đơn vị biết nhằm nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự trong toàn ngành.

Previous Post Next Post

{Dân sự}

{Trao đổi nghiệp vụ}