Tòa án áp dụng không đúng quy định của pháp luật trong vụ án lợi dụng chức vụ và vi phạm khai thác bảo vệ rừng

 Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự Viện kiểm sát nhân dân tối cao thụ lý giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm vụ án Bùi Văn Khang cùng đồng phạm về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng là lâm sản”, nhận thấy một số vấn đề cần rút kinh nghiệm như sau:


Tòa án áp dụng không đúng quy định của pháp luật trong vụ án lợi dụng chức vụ và vi phạm khai thác bảo vệ rừng

1. Nội dung vụ án và quá trình giải quyết

Trong khoảng thời gian từ tháng 4/2017 đến ngày 27/4/2018, Phan Hữu Phượng và Nguyễn Thành Kiệt đã chỉ đạo Nguyễn Hoàng Trang, Phan Huu Quyền, Lê Văn Chinh, Trần Văn Thảo, Nguyễn Văn Thuy, Trần Đức Huân, Phạm Trung Kiên, Phạm Văn Tuyển, Nguyễn Văn Lợi, Đặng Tiến Trường, Hồ Trọng Dũng, Trần Lưu Lân, Dương Quốc Bảo, Ngô Hùng Vương, Nguyễn Dũng và Huỳnh Nguyệt tổ chức khai thác, mua bán, vận chuyển 632,052m3 gỗ bất hợp pháp, có giá trị 3.176.900.960 đồng trong khu vực Vườn quốc gia YĐ. Trong đó, Phạm Trung Kiên và Phạm Văn Tuyển cùng một số bị cáo khác được thuê cưa 43 cây gỗ trái phép tương đương 74, 675m3 có giá trị 795.842.700 đồng và tham gia cùng các bị cáo khác vận chuyển gỗ từ khu vực biên giới đến khu vực tập kết. Ngô Hùng Vương có nhiệm vụ phụ xe, đã tham gia 39 chuyến vận chuyển gỗ.

Để hợp thức hóa số gỗ khai thác bất hợp pháp, Phan Hữu Phượng và Nguyễn Thành Kiệt chỉ đạo Nguyễn Hoàng Trang đến gặp Bùi Văn Khang là Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện BĐ nhờ đóng dấu búa kiểm lâm để hợp pháp hóa số gỗ trên, Khang đồng ý. Sau đó, Khang chỉ đạo Hà Thăng Long tiến hành đóng dấu búa kiểm lâm đối với 39 lóng gỗ khối lượng 52,248m3 không rõ nguồn gốc của Phượng, Kiệt, có giá trị 226.281.650 đồng. Qua đó, Khang cùng một số cán bộ kiểm lâm nhận bồi dưỡng số tiền 35 triệu đồng từ Nguyễn Hoàng Trang.

Ngoài ra, trong tháng 4/2017, Khang đã nhận 12 lóng gỗ Cà chít không có nguồn gốc hợp pháp của Phượng, Kiệt, có khối lượng 13,853m3, trị giá 101.838.800 đồng, sau đó Khang cho đóng dấu búa kiểm lâm để hợp pháp hóa và sử dụng cá nhân. 

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 38/2019/HSST ngày 19/9/2019, Tòa án nhân dân tỉnh ĐN áp dụng khoản 1, Điều 356; điểm s, V khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự, xử phạt Bùi Văn Khang 2 năm tù về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Áp dụng điểm k, khoản 3 Điều 232 (điểm e đối với bị cáo Tuyển, Kiên, Quyền); điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54 Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Phan Hữu Quyền 3 năm tù; Ngô Hùng Vương 2 năm tù; Phạm Văn Tuyển, Phạm Trung Kiên mỗi bị cáo 2 năm 6 tháng tù, về tội “vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”.

Bùi Văn Khang, Ngô Hùng Vương, Phạm Văn Tuyển, Phạm Trung Kiên kháng cáo xin hưởng án treo; Phan Hữu Quyền kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 317/2020/HSPT ngày 12/6/2020, Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh quyết định sửa Bản án sơ thẩm, áp dụng khoản 1, Điều 356; điểm s, V khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54; Điều 36 Bộ luật hình sự, xử phạt Bùi Văn Khang 3 năm cải tạo không giam giữ về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Áp dụng điểm (e đối với Quyền), k, khoản 3, Điều 232; điểm b, s khoản 1 Điều 51; Điều 36; Điều 54 Bộ luật hình sự xử phạt Ngô Hùng Vương 2 năm cải tạo không giam giữ; Phạm Trung Kiên và Phạm Văn Tuyển mỗi bị cáo 2 năm 6 tháng cải tạo không giam giữ, Phan Hữu Quyền 2 năm tù, vể tội “vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”.

2. Những vấn đề cần rút kinh nghiệm

Bùi Văn Khang là Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện BĐ, được giao quản lý và bảo vệ tài nguyên rừng nhung Khang đã lợi dụng chức vụ của mình, 2 lần chỉ đạo nhân viên đóng dấu búa kiểm lâm trái quy định để hợp thức hóa số gỗ bất hợp pháp của Phan Hữu Phượng và Nguyễn Thành Kiệt, cũng như số gỗ Khang nhận của các bị cáo này. Đây là tình tiết định khung “phạm tội 2 lần trở lên”, quy định tại dụng điểm b, khoản 2, Điều 356 Bộ luật hình sự, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm không xem xét áp dụng tình tiết này. Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng khoản 1, Điều 356 Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo 2 năm tù; Tòa án cấp phúc thẩm lại cho bị cáo hưởmg hình phạt cải tạo không giam giữ là không đúng luật định.

Phạm Văn Tuyển, Phạm Trung Kiên và Ngô Hùng Vương phạm tội thuộc khoản 3, Điều 232 Bộ luật hình sự, có mức hình phạt từ 5 đến 10 năm tù, thuộc trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng. Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo Ngô Hùng Vương 2 năm tù, Phạm Văn Tuyển và Phạm Trung Kiên mỗi bị cáo 2 năm 6 tháng tù, thấp hơn nhiều so với khung hình phạt 5 đến 10 năm tù ở khoản 3 của điều này. Các bị cáo không có tình tiết giảm nhẹ mới, nhưng Tòa án cấp phúc thẩm lại bỏ qua khoản 2, xử phạt các bị cáo theo khoản 1 Điểu 232 Bộ luật hình sự, cụ thể là Ngô Hùng Vương 2 năm cải tạo không giam giữ; Phạm Trung Kiên và Phạm Văn Tuyển mỗi bị cáo 2 năm 6 tháng cải tạo không giam giữ là vi phạm nghiêm trọng khoản 1, Điều 36 Bộ luật hình sự, theo đó hình phạt cải tạo không giam giữ chỉ áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng.

Phạm Trung Kiên và Phạm Văn Tuyển là người trực tiếp cưa khai thác gỗ tại Vường quốc gia YĐ 43 cây và tham gia cùng các bị cáo khác vận chuyển gỗ từ khu vực biên giới đến khu vực tập kết. Kiên và Tuyển phạm tội với 2 tình tiết định khung tăng nặng quy định tại điểm e, k khoản 3 Điều 232 Bộ luật hình sự “khai thác trái phép rừng đặc dụng là rừng tự nhiên 15m3 trở lên gỗ loài thực vật thông thường” và “vận chuyển trái phép 80 m3 trở lên gỗ loài thực vật rừng thông thường” và Bản án sơ thẩm đã áp dụng 2 tình tiết này là đúng. Tuy nhiên, Bản án phúc thẩm không áp dụng tình tiết “khai thác trái phép rừng đặc dụng là rừng tự nhiên 15m3 ưở lên gỗ loài thực vật thông thường” là không đúng.

Tại phiên tòa sơ thẩm, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh ĐN đề nghị Hội đồng xét xử xử phạt Bùi Văn Khang từ 2 năm đến 2 năm 6 tháng tù; Phan Hữu Quyền từ 3 năm đến 3 năm 6 tháng tù; Phạm Văn Tuyển và Phạm Trung Kiên mỗi bị cáo từ 2 năm đến 3 năm tù; Ngô Hùng Vương mức án từ 2 năm đến 2 năm 6 tháng tù là nhẹ so với tính chất, hành vi phạm tội của các bị cáo.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh đề nghị áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với bị cáo Bùi Văn Khang; cho rằng các bị cáo Quyền, Vương, Tuyển, Kiên chỉ là người làm thuê, có vai trò hạn chế và đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáó này là không phù hợp, vì các bị cáo phạm tội với nhiều hành vi, lặp đi lặp lại, trong thời gian dài, gây hậu quả rất nghiêm trọng; từ đó Tòa án cấp phúc thẩm xử phạt các bị cáo theo khoản 1 Điều 232 Bộ luật hình sự là vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 54 Bộ luật hình sự, theo đó Tòa án chỉ có thể quyết định một hình phạt không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.

Ngày 11/5/2021, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định kháng nghị về phần hình phạt đối với các bị cáo Bùi Văn Khang, Phan Hữu Quyền, Phạm Văn Tuyển, Phạm Trung Kiên, Ngô Hùng Vương. Ngày 06/10/2021, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử vụ án, chấp nhận một phần kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao hủy Bản án hình sự phúc thẩm số 317/2020/HSPT ngày 12/6/2020 của Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh, giữ nguyên hình phạt của Bản án sơ thẩm số 38/2019/HSST ngày 19/9/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh ĐN đối với các bị cáo Ngô Hùng Vương, Phạm Trung Kiên, Phạm Văn Tuyển.

Vụ 7 thông báo để các đơn vị cùng rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự trong toàn ngành./.

Previous Post Next Post

{Dân sự}

{Trao đổi nghiệp vụ}