Bản án tuyên chưa đánh giá đúng tính chất mức độ nguy hiểm hành vi phạm tội, chưa đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung

Thông qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án Lê Văn S bị xét xử về tội “Giết người”, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội thấy cần rút kinh nghiệm như sau:

Bản án tuyên chưa đánh giá đúng tính chất mức độ nguy hiểm hành vi phạm tội, chưa đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung

1. Nội dung và quá trình giải quyết vụ án:

Lê Văn S và bà Hoàng Thị Đ có quan hệ tình cảm với nhau từ năm 2018, thỉnh thoảng S đến nhà Bà Đ ở và sinh sống như vợ chồng. Ngày 30/12/2019, S đến nhà Bà Đ trong tình trạng say rượu, hai bên đã xảy ra mâu thuẫn dẫn đến cãi chửi nhau. Khoảng 19h, sau khi ăn cơm tối xong, do S chửi nên Bà Đ lên nhà chính và vào giường đi ngủ, Hoàng Cao T (là con trai Bà Đ) khóa cửa ngoài rồi trèo vào trong nhà, còn một mình S ở dưới bếp. Bà Đ và T ngủ được một lúc thì S dùng tay đập vào vách tường gỗ chỗ gần gường ngủ và gọi Bà Đ dậy mở cửa, nhưng không thấy Bà Đ nói gì. S đi ra cửa chính kéo cửa xếp ra nhưng không được nên dùng chân đạp vào cửa và tiêp tục gọi Bà Đ dậy mở cửa. Một lúc sau, Bà Đ bảo T ra mở cửa, khi Bà Đ vừa đi ra cửa thì S lao vào bóp cố, cả hai giằng co nhau ngã ra sân, Bà Đ lấy được 2-3 thanh vầu đã chẻ sẵn đánh nhiều phát vào người S gây ra thương tích. Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 102/TgT ngày 20/5/2020 của Trung tâm pháp y tỉnh BK kết luận tổn thương cơ thể của Lê Văn S với tổng tỉ lệ thương tật 36,17%.

Sau khi bị bà Hoàng Thị Đ đánh gây thương tích, Lê Văn S vẫn ở tại nhà Bà Đ, được Bà Đ chăm sóc, chữa trị vết thương và sức khỏe đã dần hồi phục, tự mình có thể đi lại, ăn uống, vệ sinh cá nhân được. Khoảng 19h30 phút ngày 06/01/2020 sau khi ăn tối xong, S nhờ Bà Đ đắp thuốc vào chân nhưng Bà Đ không đắp mà còn chửi. Một lúc sau, thấy Bà Đ đi ra chuẩn bị đắp thuốc, S liền nhặt 01 khúc gỗ dài 33cm, đầu vuông kích thước 5,5cm dưới nền nhà ngay gần chỗ S nằm. S để khúc gỗ cạnh chân và phủ chăn lên, khi Bà Đ vừa ngồi xuống bên cạnh chuẩn bị đắp thuốc thì S vươn người lên dùng tay phải cầm khúc gỗ đập thẳng vào mặt Bà Đ, Bà Đ giật được khúc gỗ từ tay của S để đánh lại nhưng không trúng. Sau đó hai người giằng co, vật lộn ngã xuống nền nhà, S nhìn thấy con dao mầu đen có chiều dài 45,5cm, phần rộng nhất của dao 5,5 cm, lưỡi dao dài 27,4cm đặt trên bao ngô thì cầm lấy chém 19 nhát vào đầu Bà Đ đến khi Bà Đ van xin thì S mới dừng lại rồi S đi bộ sang nhà ông Ngân Đức H ở gần đó để gọi điện báo Công an về việc S đã đánh Bà Đ. Bà Đ được đưa đi cấp cửu và điều trị ở nhiều Bệnh viện đến ngày 07/02/2020 thì được ra viện trong tình trạng tỉnh táo, không liệt. Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 64/TgT ngày 16/3/2020 của Trung tâm pháp y tỉnh BK kết luận: Tổn thương cơ thể của Hoàng Thị Đ với tổng cộng 19 tổn thương có tỷ lệ thương tích là 81,33%. Sau khi về nhà, ngày 04/6/2020 Bà Đ bị hôn mê, co giật đến ngày 06/6/2020 thì tử vong. Tại bản kết luận giám định pháp y số 21/KTHS-GĐPY ngày 17/6/2020 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh BK kết luận: Nạn nhân Hoàng Thị Đ bị chết do xuất huyết dưới màng não + viêm não, màng não không phục hồi sau đa chấn thương vùng đầu, mặt và suy nhược cơ thể.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 11/2021/HSST ngày 29/3/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh BK áp dụng khoản 2 Điều 123; điểm s khoản 1, 2 Điều 51; Điều 38 BLHS xử phạt Lê Văn S 08 năm tù về tội “Giết người”. Sau xét xử sơ thẩm bị cáo và đại diện hợp pháp của người bị hại không có đơn kháng cáo.

Ngày 26/4/2021, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hả Nội ban hành Kháng nghị phúc thẩm số 13/2021/QĐ-VC1-HS đối với bản án hình sự sơ thẩm số 11/2021/HSST ngày 29/3/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh BK theo hướng: Đề nghị Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội áp dụng điểm n khoản 1 Điều 123 BLHS và tăng hình phạt đối với bị cáo Lê Văn S về tội “Giết người”.

Ngày 16/7/2021, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đưa vụ án ra xét xử và chấp nhận toàn bộ Kháng nghị phúc thẩm của VKSND cấp cao tại Hà Nội: Áp dụng điểm n khoản 1 Điều 123 BLHS xử phạt bị cáo Lê Văn S 12 năm tù về tội “Giết người”.

2. Những vấn đề cần rút kinh nghiệm:

Theo nhận định của Tòa án cấp sơ thẩm: Do bực tức vì bị bà Hoàng Thị Đ dùng thanh vầu đánh gây thương tích cho Lê Văn S là 36,17% và trong thời gian ở lại nhà Bà Đ chữa bệnh, Bà Đ thường xuyên chửi bới S và không được gọi điện thoại cho người thân để đưa đi Bệnh viện điều trị nên bị cáo đã nảy sinh ý định trả thù. Thời điểm mà bị cáo S thực hiện hành vi phạm tội bị cáo nhận thức được hành vi phạm tội của mình có khả năng làm chết người nhưng bỏ mặc cho hậu quả xảy ra và thực tế hậu quả Bà Đ đã tử vong. Như vậy, hành vi của bị cáo Lê Văn S đã đủ yếu tố cấu thành tội Giết người theo khoản 2 Điều 123 BLHS.

Tuy nhiên, xét thấy: Nguyên nhân, dẫn đến việc Bà Đ dùng thanh vầu đánh gây thương tích cho bị cáo S là do S say rượu, chửi bới Bà Đ và khi Bà Đ vừa mở cửa thì S lao vào bóp cổ Bà Đ nên Bà Đ đã dùng thanh vầu đánh bị cáo gây thương tích, về thương tích của bị cáo Lê Văn S được giám định vào ngày 20/5/2020, tức là sau 5 tháng kể từ ngày S bị Bà Đ đánh, nhưng trong kết luận giám định không ghi nhận cơ chế hình thành vết thương để có cơ sở khẳng định thương tích đó là do Bà Đ gây ra. Sau khi sự việc xảy ra S đã được Bà Đ chăm sóc, điều trị vết thương và sức khỏe đã dần hồi phục, tự S có thể đi lại, ăn uống, vệ sinh cá nhân được. Việc bị cáo S cho rằng Bà Đ khóa cửa giữ bị cáo trong nhà và sức khỏe của bị cáo rất yếu nhưng Bà Đ không cho gọi điện cho người thân để đưa bị cáo đi Bệnh viện điều trị, chăm sóc là không có căn cứ.

Sau một khoảng thời gian ở lại nhà Bà Đ, bị cáo được Bà Đ chăm sóc, điều trị vết thương và sức khỏe của bị cáo đã dần hồi phục, nhưng bị cáo vẫn nảy sinh ý định đánh trả thù Bà Đ vì bực tức Bà Đ đã đánh gây thương tích cho bị cáo trước đó nhiều ngày. Bị cáo lấy 01 khúc gỗ ở dưới nền nhà ngay gần chỗ bị cáo nằm, sau đó dấu khúc gỗ ở cạnh chân và phủ chăn lên mục đích không cho Bà Đ nhìn thấy, khi Bà Đ vừa ngồi xuống bên cạnh chuẩn bị đắp thuốc thì S vươn người lên dùng tay phải cầm khúc gỗ đập thẳng vào mặt Bà Đ, Bà Đ giật được khúc gỗ từ tay của S đế đánh lại nhưng không trúng. Sau đó hai người giằng co, vật lộn ngã xuống nền nhà, S nhìn thấy con dao mầu đen có chiều dài 45,5cm, phần rộng nhất của dao 5,5 cm, lưỡi dao dài 27,4cm đặt trên bao ngô, S đã cầm lấy và dùng dao chém 19 nhát vào đầu Bà Đ dẫn đến hậu quả Bà Đ bị nhiều thương tích vùng đầu, phải khoét bỏ 01 mắt phải, tổng tỉ lệ thương tật là 81,33%, đến ngày 04/6/2020 thì Bà Đ hôn mê rồi sau đó bị tử vong.

Hành vi chuẩn bị hung khí đánh trả thù và dùng dao chém 19 nhát vào đầu Bà Đ như đã nêu ở trên của bị cáo Lê Văn S (là đối tượng nhân thân xấu, đã từng bị kết án nhiều lần về tội “Cố ý gây thương tích” và bị xử lý hành chính về hành vi đánh người) thể hiện tính côn đồ hung hãn, coi thường pháp luật và tính mạng, sức khỏe của người khác nên đã phạm tội “Giết người” thuộc trường hợp có tính chất côn đồ theo quy định tại điểm n khoản 1 Điều 123 BLHS. Việc cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm tỉnh BK truy tố, xét xử Lê Văn S theo khoản 2 Điều 123 Bộ luật hình sự và tuyên phạt 08 năm tù là chưa đúng quy định của pháp luật, chưa đánh giá đúng tính chất mức độ nguy hiểm hành vi phạm tội của bị cáo, chưa đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa chung. Do đó, Bản án số 326/2021/HSPT ngày 16/7/2021 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã sửa án sơ thẩm: Áp dụng điểm n khoản 1 Điều 123 BLHS xử phạt bị cáo Lê Văn S 12 năm tù về tội “Giết người”.

Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội thông báo để Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong khu vực nghiên cứu và cùng rút kinh nghiệm chung nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự./.

Previous Post Next Post

{Dân sự}

{Trao đổi nghiệp vụ}