Rút kinh nghiệm vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức"

Qua công tác Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm đối với vụ án Nguyễn Thị Hiển cùng đồng phạm phạm tội: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo quy định tại điểm a, khoản 4 Điều 174; điểm a, b khoản 3, Điều 341 Bộ luật Hình sự xảy ra tại Hải Dương. Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội nhận thấy cần rút kinh nghiệm cụ thể như sau:

I. Tóm tắt nội dung và quá trình giải quyết vụ án:

Từ 8/2017 đến 01/2018 tại thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Hiển, Bùi Thị Nguyệt Nga, Lò Kim Phượng và Vũ Điều Thuận đã thực hiện hành vi thuê người làm giả giấy chứng minh nhân dân, căn cước công dân, sổ hộ khẩu để lập nhiều hồ sơ vay tiền giả mạo thông tin về nhân thân khách hàng có địa chỉ cư trú tại các tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh và Hải Phòng, sau đó sử dụng các giấy chứng minh nhân dân giả nhiều lần rút tiền giải ngân, chiếm đoạt của Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (viết tắt VPB FC) tổng số tiền 1.900.000.000 đồng và một số bị cáo khác thực hiện hành vi phạm tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

- Bản Cáo trạng ngày 31/5/2019 và Quyết định thay đổi quyết định truy tố ngày 10/9/2019, Viện KSND tỉnh Hải Dương truy tố các bị can Nguyễn Thị Hiển, Bùi Thị Nguyệt Nga, Lò Kim Phượng và Vũ Điều Thuận về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức và các bị can khác về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động của các tổ chức tín dụng.

- Bản án hình sự sơ thấm số 29/2019/HSST ngày 28/11/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương đã xét xử: Các bị cáo Nguyễn Thị Hiển, Bùi Thị Nguyệt Nga, Vũ Điều Thuận và Lò Kim Phượng về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tố chức và tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tố chức.

Căn cứ điểm a khoản 4 Điều 174, điểm a, b khoản 3 Điều 341, điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51, điểm g khoản 1 Điều 52, Điều 17, Điều 58, Điều 54, Điều 55 BLHS. Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị Hiển 14 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 03 năm 06 tháng tù về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức, 03 năm tù về tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Tổng hợp buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là 20 năm 06 tháng tù.

Căn cứ điểm a khoản 4 Điều 174, điểm a, b khoản 3 Điều 341, điểm b, s, t khoản 1 và khoản 2 Điều 51, điểm g khoản 1 Điều 52, Điều 17, Điều 58, Điều 54, Điều 55 BLHS. Xử phạt bị cáo Bùi Thị Nguyệt Nga 10 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 02 năm 03 tháng tù về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức, 02 năm tù về tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Tổng hợp buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là 14 năm 03 tháng tù.

Căn cứ điểm a khoản 3 Điều 174, điểm a, b khoản 3 Điều 341, điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51, điểm g khoản 1 Điều 52, Điều 17, Điều 58, Điều 55 BLHS. Xử phạt bị cáo Vũ Điều Thuận 08 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 03 năm 03 tháng tù về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức, 03 năm tù về tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tố chức. Tổng họp buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là 14 năm 03 tháng tù.

Căn cứ điểm a khoản 3 Điều 174, điểm c khoản 2 Điều 341, điểm b khoản 3 Điều 341, điểm s khoản 1 và điểm g khoản 1 Điều 52, Điều 17, Điều 58, Điều 55 BLHS. Xử phạt bị cáo Lò Kim Phượng 07 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 02 năm tù về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức, 03 năm tù về tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Tổng hợp buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là 12 năm tù.

Ngoài ra Bản án còn tuyên phạt các bị cáo khác và trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí và những vấn đề liên quan.

Trong thời hạn luật định, các bị cáo Bùi Thị Nguyệt Nga, Vũ Điều Thuận, Đoàn Hữu Thu kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, Luân Hoàng Thăng kháng cáo xin xem xét về tội danh và hình phạt, Đỗ Thị Hương kháng cáo xin hưởng án treo. Viện KSND tỉnh Hải Dương kháng nghị sửa bản án sơ thẩm về phần tội danh đối với hai bị cáo Luân Hoàng Thăng và Đỗ Thị Hương.

Ngày 27/4/2017, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm. Tại phiên tòa các bị cáo vẫn thừa nhận hành vi phạm tội như nội dung bản án sơ thẩm. Theo đề nghị của đại diện Viện KSND cấp cao tại Hà Nội hội đồng xét xử phúc thẩm đã quyết định hủy 01 phần bản án sơ thẩm đối với các bị cáo Nguyễn Thị Hiển, Bùi Thị Nguyệt Nga, Lò Kim Phượng và Vũ Điều Thuận về các tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức và tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức để xét xử sơ thẩm lại. Ngoài ra hội đồng xét xử phúc thẩm còn tuyên án đối với các bị cáo khác.

II. Nội dung cần rút kinh nghiệm

Trong vụ án này có các bị cáo Nguyễn Thị Hiển, Bùi Thị Nguyệt Nga, Lò Kim Phượng và Vũ Điều Thuận đều thực hiện liên tục các hành vi vừa làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức vừa sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. cấp sơ thẩm quy kết xét xử các bị cáo Nguyễn Thị Hiển, Bùi Thị Nguyệt Nga, Lò Kim Phượng và Vũ Điều Thuận về cả hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức là không đúng bởi vì:
Căn cứ công văn số 50/TANDTC-PC ngày 07/4/2020 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn xử lý hình sự đối với người vừa sử dụng giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan, tố chức đế lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Hành vi vừa sử dụng giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác là dấu hiệu đặc trưng trong mặt khách quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây cũng là hành vi khách quan của tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, theo hướng dẫn tại Mục 2 Công văn số 233/TANDTC-PC ngày 01/10/2019 của Tòa án nhân dân tối cao thì trường hợp người thực hiện một hành vi phạm tội nhưng thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của nhiều tội thì bị truy cứu trách nhiệm hỉnh sự về tội nặng hơn. Do đó, trường hợp người có hành vi sử dụng giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì chỉ bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 của BLHS.

Như vậy hành vi phạm tội của các bị cáo Nguyễn Thị Hiển, Bùi Thị Nguyệt Nga, Lò Kim Phượng và Vũ Điều Thuận sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức nhằm lừa đảo để chiếm đoạt tài sản của VPB FC nên chỉ bị xử lý hình sự các bị cáo vê tội lừa đảo chiêm đoạt tài sản là phù hợp đúng quy định.

Như vậy, các cơ quan tố tụng câp sơ thẩm khởi tố, truy tố, xét xử các bị cáo Nguyễn Thị Hiển, Bùi Thị Nguyệt Nga, Lò Kim Phượng và Vũ Điều Thuận cả 2 tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tố chức và tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là chưa phù hợp với hướng dẫn tại công văn số 50/TANDTC-PC ngày 07/4/2020 của Tòa án nhân dân tối cao.

Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội thông báo đến Viện kiếm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trong khu vực để cùng rút kinh nghiệm./.

Previous Post Next Post

{Dân sự}

{Trao đổi nghiệp vụ}