Một số kinh nghiệm thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn


Trong những năm qua, với quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước; sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo), Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp; sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, báo chí và nhân dân, công tác phòng, chống tham nhũng đã có những bước tiến mạnh mẽ. Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng; phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm với các cơ quan tiến hành tố tụng; chỉ đạo quyết liệt trong Ngành thực hiện có chất lượng, đảm bảo tiến độ công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi; chỉ đạo Viện kiểm sát các cấp chủ động đề ra các yêu cầu điều tra và phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra kịp thời xác minh, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của các đối tượng thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản trong các vụ án, không để đối tượng chuyển nhượng, che giấu, tấu tán, hợp pháp hóa tài sản; thu hồi tài sản của Nhà nước bị chiếm đoạt; chủ trì, phối họp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015.

Việc phát hiện, xử lý các vụ án về tham nhũng, kinh tế được thực hiện đông bộ, triệt để “không có vùng cấm”, góp phần quan trọng trong việc kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi vi phạm, tội phạm tham nhũng, kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, củng cố niềm tin của nhân dân, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác phát hiện, xử lý các vụ án về tham nhũng, kinh tế; qua thực hiện chức năng thực hành quyên công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn trong trong 03 năm (2016, 2017, 2018), Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 3) thông báo một số kinh nghiệm như sau:

1. Về phân loại, xác định vai trò của từng đối tượng có liên quan để xử lý trong các vụ án

Do số lượng các đối tượng liên quan trong các vụ án có thể lên đến hàng trăm người, nên phải phân loại, xác định vai trò của từng đối tượng để phân nhóm đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự và nhóm đối tượng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; phân hóa được vai trò của người chủ mưu, cầm đầu, người có vai trò tích cực, được hưởng lợi với vai trò của những người khác tuy có hành vi vi phạm nhưng là những người làm thuê, bị lợi dụng, không được hưởng lợi; đánh giá đúng bản chất của hành vi; không bỏ lọt tội phạm; ví dụ như:

* Vụ án Phạm Công Danh và đông phạm, xảy ra tại Ngân hàng Thương mại Co phần Xây dựng Việt Nam (viết tắt là VNCB), làm thiệt hại cho VNCB và khách hàng 9.137 tỷ đồng (giai đoạn 1). Khởi tố 36 bị can, trong đó khởi tố 11 bị can về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 165 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999; khởi tố 25 bị can về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, theo Điều 179 BLHS năm 1999. Vụ án này có các nhóm đối tượng:

- Nhóm bị truy cứu trách nhiệm hình sự, gồm:

+ Các đối tượng trực tiếp tiếp nhận ý chí, chỉ đạo của Phạm Công Danh, hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ vay vốn với phương án kinh doanh không có thật, tham gia họp Hội đồng quản trị để VNCB phê duyệt cho vay, sử dụng tài sản do chính các công ty của Phạm Công Danh đứng tên sở hữu, đã bị nâng khống giá trị làm tài sản đảm bảo vay tiền tại VNCB và các Ngân hàng khác.

+ Các đối tượng là thành viên Hội đồng tín dụng thuộc các Chi nhánh của VNCB, không thực hiện thẩm định hồ sơ vay, không đánh giá năng lực tài chính khách hàng, dự án kinh doanh, khả năng trả nợ của khách hàng... mà vẫn phê duyệt, trình Hội đồng tín dụng cấp trên cho vay theo thẩm quyền, tạo điều kiện để Phạm Công Danh cho các công ty của mình vay trái pháp luật.

+ Các đối tượng là cán bộ tín dụng, không thẩm định thực tế khách hàng, không thấm định thực tế tài sản đảm bảo theo quy định, không kiểm tra thực tế tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty vay vốn, nhưng vẫn ký đề xuất trình phê duyệt các khoản vay.

+ Các đối tượng là nhân viên thẩm định giá tài sản bảo đảm, áp dụng phương pháp định giá không có căn cứ, không đúng quy định, nâng khống giá trị tài sản bảo đảm, tạo điều kiện cho Phạm Công Danh cho các công ty của mình vay trái pháp luật.

+ Các đối tượng là lãnh đạo các công ty của Phạm Công Danh, đứng tên pháp nhân vay tiền của VNCB; các pháp nhân này không có hoạt động kinh doanh, không có nhu cầu vốn, việc đứng tên thành lập Công ty giúp Phạm Công Danh lấy danh nghĩa pháp nhân ký kết các hợp đồng, sau khi được Ngân hàng cho vay giải ngân chuyển tiền cho Phạm Công Danh sử dụng.

- Nhóm đối tượng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, gồm:

Một số đối tượng liên quan là nhân viên của VNCB hoặc Tập đoàn Thiên Thanh, là những người làm thuê cho Phạm Công Danh, chỉ hưởng lương, có nhân thân tốt; mặc dù thực hiện sự theo chỉ đạo của Phạm Công Danh, mở tài khoản nhận tiền, chuyển tiền, rút tiền chuyển cho Danh sử dụng hoặc chuyển khoản theo chỉ định; lập hồ sơ vay vốn, chuyển hồ sơ vay cho các giám đốc công ty ký theo chỉ đạo của Danh, nhưng không nhận thức được sai phạm, hành vi, thủ đoạn phạm tội của Danh và đồng phạm, nên không cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

* Tương tự như vậy là các vụ án:

(1). Vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm, xảy ra tại 04 Ngân hàng (VNCB, BIDV, Sacombank, TPBank), gâyy thiệt hại cho VNCB 6.127 tỷ đồng (giai đoạn 2): khởi tố 46 bị can là lãnh đạo, nhân viên các Ngân hàng: VNCB, Sacombank, BIDV, TPBank và Tập đoàn Thiên Thanh cùng các công ty liên quan về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 165 BLHS năm 1999.

(2). Vụ án Nguyễn Thế Anh cũng đồng phạm, xảy ra tại Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Phúc Gia Bảo 68 (viết tắt là Công ty 68) và Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư Phúc Gia Bảo 868 (viết tắt là Công ty 868): khởi tố đối với 13 bị can là lãnh đạo Công ty 68, Công ty 868, giám đốc các chi nhánh, văn phòng với vai trò đồng phạm giúp sức cho Nguyễn Thế Anh thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

(3). Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm, xảy ra tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), gây thiệt hại 3.986 tỷ đồng: khởi tố 14 bị can về các tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tô chức tín dụng”; “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

2. Về bảo vệ quan điểm đánh giá chứng cứ, xác định căn cứ khởi tố bị can

Vụ án Hoàng Văn Toàn và đồng phạm phạm tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, xảy ra tại VNCB, gây thiệt hại 471 tỷ đồng do Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khởi tố vụ án. Quá trình điều tra, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành nhiều yêu cầu điều tra, yêu cầu khởi tố. Tuy nhiên, sau 10 tháng điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an có quan điểm cho rằng cả 08 thành viên Hội đồng tín dụng không có dấu hiệu phạm tội vì hồ sơ vay vốn của khách hàng đầy đủ, đúng pháp luật; hồ sơ có phương án kinh doanh phù hợp, có tài sản đảm bảo theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Ngân hàng Nhà nước; tài sản đảm bảo đã được Công ty Trách nhiệm hữu hạn mua bán nợ Việt Nam của Bộ Tài chính (DATC) thẩm định giá; khoản vay đã được Ngân hàng Đại Tín Chi nhánh Sài Gòn thẩm định; các thành viên Hội đồng tín dụng VNCB đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định; không có tài liệu chứng cứ cho rằng tài sản bảo đảm bị nâng khống giá trị, là tài sản hình thành trong tương lai và các thành viên Hội đồng tín dụng không phạm lỗi cố ý.

Căn cứ chứng cứ, tài liệu thu thập được, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng 08 thành viên Hội đồng tín dụng đã cố ý vi phạm các quy định về cho vay, sử dụng giá trị tài sản hình thành trong tương lai là quyền sử dụng đất để làm tài sản bảo đảm, vi phạm các quy định tại khoản 1 Điều 94 Luật Các tố chức tín dụng về xét duyệt cấp tín dụng; khoản 3 Điều 7, khoản 2 Điều 15 Quy chế cho vay của Tổ chức tín dụng đối với khách hàng ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Ngân hàng Nhà nước; khoản 2, Điều 1 Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/12/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm. Hành vi làm trái các quy định nêu trên của các đối tượng là nguyên nhân chính dẫn đến VNCB bị thiệt hại 471 tỷ đồng. Việc các đối tượng liên quan khai về nhận thức của hành vi đã thực hiện, việc không được hưởng lợi... không làm thay đổi bản chất của vụ án cũng như hành vi phạm tội. 08 đối tượng đều là thành viên chính thức của Hội đồng tín dụng VNCB, có vai trò như nhau trong việc tham gia họp Hội đồng tín dụng, quyết định cho vay. Việc cho rằng một số đối tượng liên quan không phải là thành viên chính thức Hội đồng tín dụng là nhận thức không đúng về quy định của VNCB và không phù hợp với các tình tiết, chứng cứ thu thập được trong vụ án. Lỗi của 08 thành viên Hội đồng tín dụng đều là cố ý; hành vi của 08 đối tượng là tương tự như nhau, đều phải bị khởi tố bị can về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”quy định tại Điều 179 BLHS năm 1999.

Tại cuộc họp Lãnh đạo liên ngành Trung ương, quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao được chấp thuận. Cơ quan Cảnh sát điều tra thực hiện và chỉ quyết định khởi tố bị can 02/08 thành viên Hội đồng tín dụng VNCB là Hoàng Văn Toàn và Trần Sơn Nam, nguyên Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng tín dụng.

Viện kiểm sát nhân dân tối cao giữ nguyên quan điểm, tiếp tục có văn bản yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố 06 thành viên còn lại; đồng thời có Văn bản báo cáo Ban Chỉ đạo để chỉ đạo giải quyết vụ án dứt điểm, đúng quy định pháp luật. Sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với 06 thành viên của Hội đồng tín dụng về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” quy định tại Điều 179 BLHS năm 1999. Cơ quan Cảnh sát điều tra ban hành Bản Kết luận điều tra, đề nghị truy tố 07 bị can (có 01 bị can trốn, truy nã). Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Cáo trạng truy tố đối với 07 bị can về tội danh nêu trên.

Tại phiên tòa, các Luật sư và bị can dựa vào quan điểm đánh giá chứng cứ khác nhau giữa Cơ quan Cảnh sát điều tra và Viện kiểm sát để cho rằng các bị cáo không phạm lỗi cố ý, không phạm tội như Cáo trạng truy tố. Do đã dự liệu được tình huống, Kiểm sát viên đã lập luận trên cơ sở chứng cứ, tài liệu thu thập được trong quá trình điều tra để bảo vệ quan điểm của Viện kiểm sát. Kết quả, từ chỗ các bị cáo đều không nhận tội đến lúc đều nhận thức được sai phạm của hành vi, xin giảm nhẹ hình phạt. Bản án hình sự của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tuyên bố các bị cáo phạm tội như quan điểm của Viện kiểm sát.

3. Về đánh giá chứng cứ, xác định đúng tội danh

Vụ án Hứa Thị Phấn và đồng phạm, xảy ra tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Tín (sau đối thành VNCB), gây thiệt hại 12.006 tỷ đồng.

Vụ án này do Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử vụ án Phạm Công Danh (giai đoạn 1) khởi tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 165 BLHS năm 1999 đối với hành vi nâng khống giá trị nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch mà Hứa Thị Phấn và đồng phạm bán cho Ngân hàng Đại Tín, chiếm đoạt 1.105 tỷ đồng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can đối với Hứa Thị Phấn và đồng phạm về tội danh nêu trên. Sau khi đánh giá chứng cứ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhận thấy: Việc Phấn và đồng phạm nâng khống giá trị căn nhà lên gấp 8 lần giá thị trường, bán cho Ngân hàng với giá 1.260 tỷ đồng và Ngân hàng đã hạch toán khoản đầu tư tài sản này vào tài sản cố định của Ngân hàng; việc mua bán đã xong, nên Phấn đã hoàn thành việc chiếm đoạt 1.105 tỷ đồng của Ngân hàng. Thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, Ngân hàng đã âm vốn chủ sở hữu 2.854 tỷ đồng, nên số tiền 1.105 tỷ đồng Phấn chiếm đoạt là tiền gửi của người dân, không phải là tiền của bị can Phấn.

Với mục đích chiếm đoạt tài sản của Ngân hàng Đại Tín (số tiền có nguồn gốc là tiền của người dân gửi hợp pháp), Phấn và đồng phạm đã lợi dụng việc được phân công quản lý tài sản đê thực hiện hành vi gian dối chiếm đoạt tài sản của Ngân hàng. Hành vi cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế (lập khống chúng từ) chỉ thể hiện về mặt hình thức của hành vi, chưa phản ánh đúng bản chất và là phương thức, thủ đoạn chiếm đoạt tài sản của Ngân hàng Đại Tín. Do đó, hành vi của Phấn và đồng phạm không phải là cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế mà là lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tội phạm hoàn thành khi các bị can thực hiện xong việc chuyển tiền của Ngân hàng vào tài khoản Công ty của Hứa Thị Phấn.

Việc thay đổi tội danh đối với Hứa Thị Phấn và các đồng phạm có ý nghĩa quan trọng đối với việc xác định đúng vai trò, trách nhiệm của các bị can và người liên quan trong vụ án, do bị can Phấn là đối tượng chủ mưu; Hoàng Văn Toàn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị và các nhân viên Ngân hàng Đại Tín, nhân viên Công ty Phú Mỹ là các đối tượng giúp sức; đồng thòi xác định trách nhiệm bồi thường thuộc về Hứa Thị Phấn. Nếu xử lý về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng thì vai trò của Hoàng Văn Toàn là vai trò chính và phải có trách nhiệm bồi thường, còn Phấn chỉ là đồng phạm. Trong khi đó về bản chất, Toàn chỉ là người làm thuê cho Phấn, thực hiện các hành vi phạm tội theo yêu cầu của Phấn, toàn bộ tài sản chiếm đoạt do Phấn sử dụng.

Quan điểm của cấp Chuyên viên (Cơ quan Cảnh sát điêu tra Bộ Công an, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh) là giữ nguyên tội danh đã khởi tố đối với Phấn và đồng phạm vì cho rằng Phấn đại diện cho nhóm cổ đông sở hữu 84,92% vốn điều lệ Ngân hàng (bản chất thuộc sở hữu của Phấn). Nói cách khác, Ngân hàng Đại Tín là Ngân hàng của Phấn, nên Phấn không thể chiếm đoạt tài sản của bản thân mình.

Để đánh giá đúng bản chất của vụ án, hành vi phạm tội, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo tổ chức họp với Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an yêu cầu thay đối tội danh đối với Hứa Thị Phấn và đồng phạm. Thực hiện yêu cầu của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã quyết định thay đổi Quyết định khởi tố bị can đối với Hứa Thị Phấn và đồng phạm về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Kết quả xét xử cho thấy quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao là đúng.

4. Về xác định số tiền bị can chiếm đoạt

Vụ án Nguyễn Thế Anh cùng đồng phạm “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản’’ xảy ra tại Công ty 68 và Công ty 868: Quá trình điều tra và giải quyết vụ án, có nhiều quan điểm xác định số tiền chiếm đoạt của Nguyễn Thế Anh cụ thể:

- Quan điểm thứ nhất: Số tiền Nguyễn Thế Anh chiếm đoạt là số tiền không có chứng từ chi. Tuy nhiên, quan điểm này không có căn cứ và gây khó khăn cho việc quy kết, bởi lẽ hoạt động tài chính của Công ty 68 và Công ty 868 không được hạch toán theo chuẩn mực kế toán; tại các chi nhánh, văn phòng thì chỉ một số ghi nhận việc thu, chi theo sổ để biết, còn lại không có sổ sách kế toán. Tài liệu chứng minh việc chi có căn cứ chỉ xác định qua việc chuyển khoản giữa các cá nhân, còn lại việc chi bằng tiền mặt không có chứng từ; do vậy, không thể làm căn cứ để quy kết số tiền chiếm đoạt của bị can.

- Quan điểm thứ hai: số tiền Nguyễn Thế Anh chiếm đoạt là số tiền bị hại trình báo bị chiếm đoạt và yêu cầu được bồi thường. Tuy nhiên, phát sinh vướng mắc là sau khi kết thúc điều tra vụ án, trong giai đoạn truy tố, xét xử, lại có thêm bị hại ra trình báo thì việc giải quyết vụ án sẽ phức tạp, bị kéo dài.

Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chủ trì cuộc họp liên ngành (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội) và thống nhất xác định: Nguyễn Thế Anh chiếm đoạt tài sản là tổng số tiền thu của nhà đầu tư trừ đi số tiền đã trả lợi nhuận cho nhà đầu tư. Vấn đề vướng mắc là xác định được số tiền quy kết bị can chiếm đoạt nhưng chưa xác định được bị hại, do bị can thực hiện hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản nên thời điểm thu tiền của khách hàng là hoàn thành hành vi chiếm đoạt. Mặc dù có người bị hại không trình báo nhưng có căn cứ xác định bị can đã chiếm đoạt tài sản của những người đó. Quá trình truy tố, xét xử, nếu có thêm người bị hại trình báo, cung cấp được các chứng cứ, tài liệu và phù hợp thì đưa họ tham gia quá trình tố tụng. Nếu sau khi xét xử mới có người bị hại tố cáo, yêu cầu được bồi thường, thì hướng dẫn họ khởi kiện để giải quyết việc yêu cầu bồi thường theo trình tự, thủ tục tố tụng dân sự.

Tương tự như vậy, đối với vụ án Châu Thị Thu Nga cùng đồng phạm “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản ”, xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Nhà đất (tên viết tắt là Housing Group): Việc xác định số tiền Châu Thị Thu Nga chiếm đoạt là tổng số tiền Housing Group thu của khách hàng trừ đi số tiền Housing Group đã trả cho khách hàng.

5. Về chứng minh, làm rõ thủ đoạn huy động vốn, gian dối chiếm đoạt tài sản của các bị can

Vụ án Nguyễn Thế Anh cùng đồng phạm “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản ” xảy ra tại Công ty 68 và Công ty 868: Sau khi khởi tố vụ án, với các chứng cứ, tài liệu thu thập được, nhất là các hợp đồng Nguyễn Thế Anh, Nguyễn Văn Thông đại diện Công ty 68 và Công ty 868 ký với khách hàng thể hiện khách hàng tự nguyện nộp tiền cho Công ty 68 và Công ty 868 để kinh doanh và được hưởng lãi suất. Đánh giá về hợp đồng này, có quan điểm cho rằng việc các khách hàng ký hợp đồng là tự nguyện, ngay thẳng, là thỏa thuận dân sự, việc giải quyết tranh chấp giữa các bên theo trình tự tố tụng dân sự.

Quá trình điều tra xác định: 02 Công ty này không hoạt động sản xuất, kinh doanh; số tiền thu, chi của từng chi nhánh do 02 Công ty chuyển xuống nhỏ hơn rất nhiều so với số tiền được chuyển lại; số tiền chi nhánh trả lợi nhuận cho khách hàng lớn hơn số tiền chi nhánh nhận được từ 02 Công ty. Nghĩa là chi nhánh phải sử dụng số tiền thu của nhà đầu tư sau trả cho nhà đầu tư trước và 02 Công ty không có lợi nhuận chuyển cho chi nhánh để trả cho nhà đầu tư. Do vậy, Nguyễn Thế Anh và đồng phạm có hành vi gian dối, chiếm đoạt tài sản của các nhà đầu tư.

Tương tự như vậy, Vụ án Châu Thị Thu Nga cùng đông phạm “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản ” xảy ra tại Housing Group: Các hợp đông Housing Group ký với khách hàng, như: Hợp đồng đặt cọc, Hợp đồng góp vốn, Thỏa thuận vay vốn, Thỏa thuận góp vốn... có nội dung thỏa thuận góp tiền, đóng tiền và được hưởng lãi xuất. Có quan điểm cho rằng các khách hàng hợp đồng với Housing Group là tự nguyện, thỏa thuận là ngay thẳng, trong khi đó Dự án B5 cầu Diễn có thật, nên chỉ là thỏa thuận dân sự, việc giải quyết tranh chấp theo trình tự tố tụng dân sự.

Trên cơ sở kết quả điều tra xác định thủ đoạn huy động vốn, gian dối chiếm đoạt tài sản của các bị can là:

(1) Để hợp thức thủ tục huy động vốn của khách hàng tại Dự án B5 Câu Diễn, dù không tố chức họp nhưng Nga vẫn chỉ đạo xây dựng Nghị quyết của Hội đồng quản trị Housing Group với nội dung: thống nhất giao cho Tống Giám đốc (chính là Châu Thị Thu Nga) triển khai huy động vốn với khách hàng và đối tác để thực hiện Dự án B5 cầu Diễn. Sau đó, Nga chỉ đạo nhân viên lập kế hoạch vay vốn từ khách hàng, cùng với Ban kinh doanh của Housing Group ký kế hoạch vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, trong đó xác định hình thức vay là ký Hợp đồng vay vốn thực hiện đầu tư và phát hành trái phiếu; khách hàng ký kết Hợp đồng hoặc thỏa thuận vay vốn với Housing Group, lãi suất 0,6%/tháng, kèm quyền được mua căn hộ chung cư Dự án B5 cầu Diễn do Housing Group thực hiện khi Dự án đủ điều kiện theo quy định. Nga còn tổ chức và chủ trì nhiều cuộc họp lãnh đạo chủ chốt của Housing Group triến khai và phân công cho các cá nhân, bộ phận nghiệp vụ thực hiện việc huy động và sử dụng vốn vay của khách hàng.

(2) Để tạo lòng tin với khách hàng, Nga chỉ đạo đăng nội dung thông tin không đúng sự thật lên cổng thông tin điện tử www.housinggroup.vn, thực hiện và chỉ đạo nhân viên Housing Group ký họp đồng lập mô hình, thi công cọc khoan nhồi tại Dự án B5 cầu Diễn, theo đó:

- Năm 2009 và năm 2010, đăng nội dung: Liên danh Housing Group và Công ty HAIC là chủ đầu tư dự án B5 Cầu Diễn nhưng đến cuối năm 2010 UBND thành phố mới có Quyết định giao cho Liên danh Housing Group và Công ty HAIC làm chủ đầu tư công trình xây dựng nhà ở tại lô đất CT5.

- Năm 2011 đăng nội dung: Liên danh Housing Group và Công ty HAIC là chủ đầu tư dự án Khu chung cư B5 Cầu Diễn được thiết kế với 06 tòa nhà hiện đại với các thông số quy hoạch cụ thể; thời gian khởi công và hoàn thành: Từ quý III/2010 đến quý IV/2015. Thực tế, Liên danh Housing Group và Công ty HAIC chưa được giao làm chủ đầu tư đối với khu đất HH2 và dự án B5 Cầu Diễn theo quy hoạch điều chỉnh chưa được phê duyệt, chưa có giấy phép xây dựng. 

(3) Để khách hàng thấy Housing Group xây dựng công trình tại Dự án B5 Cầu Diễn: Từ tháng 9/2010 đến tháng 9/2011, Nga thực hiện, chỉ đạo và ủy quyền cho Phó Tổng giám đốc Housing Group hợp đồng với Công ty cổ phần Licogi 12 thi công thí nghiệm và tổ chức cho khoan nhồi cọc móng theo thiết kế điều chỉnh chưa được phê duyệt; đồng thời, thuê lập mô hình 06 tòa nhà chung cư như nội dung quy hoạch điều chỉnh chưa được phê duyệt để giới thiệu về Dự án B5 cầu Diễn với khách hàng.

(4) Để ký hợp đồng với khách hàng, Nga chỉ đạo Sàn giao dịch bất động sản thuộc Housing Group soạn thảo hợp đồng, thu tiền của nhà đầu tư cá nhân số tiền ban đâu băng 30% giá trị chuyển nhượng của căn hộ đã chọn. Thực chất là huy động vốn từ tiền người mua nhà ứng trước theo quy định của Luật Nhà ở, thông qua hình thức ký hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai. Thực tế, tại thời điểm này dự án không được huy động vốn của khách hàng do dự án chưa được Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

6. Về áp dụng các biện pháp để thu hồi tài sản chiếm đoạt cho Nhà nước

6.1. Về áp dụng biện pháp ngăn chặn, đấu tranh với các bị can để làm rõ hành vi phạm tội và thu hồi tài sản chiếm đoạt cho Nhà nước

Trong vụ án Hứa Thị Phấn và đồng phạm, xảy ra tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Tín, gây thiệt hại 12.006 tỷ đồng, các bị can Ngô Kim Huệ và Bùi Thị Kim Loan bị khởi tố về tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định của Điều 165 BLHS năm 1999 và bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú (do là phụ nữ có thai và sau đó là nuôi con dưới 36 tháng tuổi). Các bị can này có vai trò giúp sức đắc lực cho Phấn chỉ đạo nhân viên Ngân hàng Đại Tín và nhóm Phú Mỹ thực hiện hành vi phạm tội, nhưng đều khai báo quanh co, che giấu hành vi phạm tội của bản thân và của Phấn; che giấu việc sở hữu tài sản cho bị can Phấn. Việc các bị can nêu trên tại ngoại, trong khi bị can Phấn không hợp tác với Cơ quan điều tra, là những cản trở cho việc điều tra làm rõ hành vi phạm tội và việc thu hồi tài sản đã chiếm đoạt cho Nhà nước.

Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra thay đổi tội danh từ “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” sang “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” đối với Huệ và Loan với vai trò giúp sức cho Phấn trong việc chiếm đoạt 1.105 tỷ đồng mua bán nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch và áp dụng biện pháp bắt để tạm giam đối với các bị can này.

Sau khi thay đối biện pháp ngăn chặn, các bị can đã hợp tác tốt với Cơ quan điều tra, khai báo hành vi phạm tội của mình, của Hứa Thị Phấn và những tài sản đứng tên giúp Phân. Kết quả giải quyết vụ án đã thu hồi cho nhà nước hàng trăm tỷ đồng. 

Trên đây là một số kinh nghiệm được rút ra qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết một số vụ án kinh tế, tham nhũng trong 03 năm (2016, 2017, 2018), Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 3) thông báo đến các đơn vị, Viện kiểm sát các cấp để nghiên cứu, tham khảo và vận dụng trong quá trình giải quyết các vụ án có nội dung và tính chất tương tự./.

Previous Post Next Post

{Dân sự}

{Trao đổi nghiệp vụ}