Rút kinh nghiệm công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử án hình sự

Thông qua công tác kiểm sát bản án hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo phạm tội đánh bạc, xét thấy cần phải rút kinh nghiệm một số nội dung như sau:
1. Nội dung vụ án
Khoảng 22 giờ ngày 28/5/2018 lực lượng chức năng Công an huyện A bắt quả tang 02 đối tượng B và C đánh bạc được thua bằng tiền tại quán nước của D. Khi đánh bạc tất cả các đối tượng thống nhất không để tiền dùng để đánh bạc trên chiếu bạc mà để tiền ở trong túi quần hoặc túi áo. Quá trình điều tra B thừa nhận đem theo số tiền 750.000đ để đánh bài, khi bắt quả tang thu giữ trên người của B số tiền 1.050.000 đồng.
2. Quá trình giải quyết vụ án

Cáo trạng ngày 09/3/2019 của Viện kiểm sát nhân dân huyện A truy tố bị cáo B về tội “Đánh bạc” theo quy định tại khoản 1 Điều 321, Điều 35, Điều 50 , điểm I, s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự. Tại phiên tòa Kiểm sát viên giữ quyền công tố giữ nguyên quyết định truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Khoản 1 Điều 321, điểm I, s Khoản 1 Điều 51, Điều 35 Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo B từ 20 triệu đến 30 triệu đồng.

Tại bản án hình sự sơ thẩm ngày 10/5/2019 của Tòa án nhân dân huyện A áp dụng khoản 1 Điều 321, Điều 35, Điều 50, điểm i, s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015 xử phạt bị cáo B số tiền 30 triệu đồng về tội đánh bạc.

3. Những vấn đề cần rút kinh nghiệm

Bản án hình sự sơ thẩm xác định bị cáo B có 01 tiền sự và 01 tiền án cụ thể:

Tiền sự: Ngày 04/5/2018 B bị UBND huyện A ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “Tổ chức đánh bạc”, đã đóng phạt ngày 09/5/2018.

Tiền án: Ngày 10/10/1998 bị Tòa án nhân dân huyện A xử phạt 12 tháng tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân” bị cáo đã chấp hành xong hình phạt tù. Phần trách nhiệm dân sự bị cáo chưa thi hành.

Số tiền bị cáo dùng để đánh bạc lần này dưới 5.000.000đ, nhưng bị cáo đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “Tổ chức đánh bạc” và chưa hết thời hiệu được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, nên được xem là dấu hiệu cấu thành tội "Đánh bạc" lần này. Do đó cấp sơ thẩm truy tố, xét xử bị cáo tội “Đánh bạc” theo khoản 1 Điều 321 Bộ luật hình sự 2015 là đúng người đúng tội.

Tại mục 7.3 của Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006  của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng tình tiết “Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” cần phân biệt:

b) Trường hợp các tiền án của bị cáo không được xem xét là dấu hiệu cấu thành tội phạm “Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” vì hành vi phạm tội của bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì các tiền án của bị cáo phải tính để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm.

Ví dụ: E có hai tiền án về tội "Cố ý gây thương tích" và tội "Cướp tài sản" đều chưa được xóa án tích lại trộm cắp tài sản có giá trị  400.000đ. Trong trường hợp này tiền án về tội "Cướp tài sản" được xem xét là dấu hiệu “Đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” để xác định cấu thành tội phạm của lần trộm cắp tài sản. Còn tiền án về tội "Cố ý gây thương tích "phải tính để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm đối với E.

Như vậy tiền án về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân” của bị cáo B không xem xét là yếu tố cấu thành tội đánh bạc lần này của bị cáo, nên được xem là tái phạm theo quy định tại khoản 1 Điều 53 Bộ luật hình sự 2015 “Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng , tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý”. Vì vậy, lẽ ra tại phiên tòa sơ thẩm, Kiểm sát viên thực hành quyền công tố phải xác định lần phạm tội này của bị cáo thuộc trường hợp tái phạm, đồng thời đề nghị HĐXX áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo điểm h khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự để xử phạt bị cáo mới đúng pháp luật, nhưng Kiểm sát viên không đề nghị, cũng như đồng tình với bản án sơ thẩm không áp dụng tình tiết này để xử phạt bị cáo là thiếu sót.

Previous Post Next Post

{Dân sự}

{Trao đổi nghiệp vụ}