Xác định không đầy đủ các quan hệ pháp luật có tranh chấp, không đúng di sản chia thừa kế

Qua kiểm sát việc giải quyết vụ án “Chia thừa kế, chia tài sản chung và yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ” giữa nguyên đơn ông Nguyễn Doãn Hiển với bị đơn ông Nguyễn Doãn Thắng theo thủ tục phúc thẩm. Xét thấy, Tòa án cấp sơ thẩm đã, xác định không đầy đủ các quan hệ pháp luật có tranh chấp, xác định không đúng di sản chia thừa kế, giải quyết không đầy đủ yêu cầu của đương sự dẫn đến buộc các đương sự phải thực hiện quyền và nghĩa vụ về án phí không đúng quy định của pháp luật. Vì vậy, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã kháng nghị phúc thẩm theo hướng hủy Bản án dân sự sơ thẩm giải quyết vụ án trên và được Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận một phần.

1. Nội dung vụ án và quyết định của bản án sơ thẩm.

Ngày 26/9/2017, bà Nguyễn Thị Mùi có đơn khởi kiện vụ án dân sự đối với cụ Nguyễn Thị Nguyên, yêu cầu Tòa án chia di sản thừa kế của cụ Nguyễn Doãn Trúc để lại là thửa đất số 188.3. Ngày 02.11.2017, Tòa án nhân dân huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc thụ lý giải quyết vụ án.

Ngày 17/01/2018, Tòa án nhân dân huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục thụ lý giải quyết yêu cầu độc lập của ông Nguyễn Doãn Hiển về việc: Hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do ủy ban nhân dân huyện Bình Xuyên cấp ngày 24/8/2000 cho hộ ông Nguyễn Doãn Thắng đối với thửa đất số 188.1 và yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật đối với diện tích 360m2 thuộc thửa số 188.1 và thửa số 188.2 nên vụ án được chuyển đến Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc.

Ngày 13/3/2018, bà Nguyễn Thị Mùi có đơn xin rút đơn khởi kiện. Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định đình chỉ giải quyết đối với đơn khởi kiện của nguyên đơn bà Nguyễn Thị Mùi. Đồng thời ban hành thông báo thay đổi vị trí tố tụng, xác định ông Nguyên Doãn Hiểm là nguyên đơn, bà Nguyễn Thị Mùi, ông Nguyễn Doãn Thắng là bị đơn; xác định đầy đủ những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Trong quá trình tố tụng, tại Biên bản lấy lời khai ngày 03/3/2018 ông Nguyễn Doãn Hiền yêu cầu giải quyết: Xác nhận tài sản của mẹ ông (cụ Nguyễn Thị Nguyên) trong số tài sản chung với cụ Nguyễn Doãn Trúc; Yêu cầu chia thừa kế di sản của bố ông (cụ Nguyễn Doãn Trúc) cho mẹ ông (cụ Nguyễn Thị Nguyên) và 08 anh chị em trong gia đình; Yêu cầu hủy một phần Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do ủy ban nhân dân huyện Bình Xuyên cấp ngày 24/8/2000 cho hộ ông Nguyễn Doãn Thắng đối với thửa đất số 188.1.

Sau đó, tại các Biên bản hòa giải ngày 17/6/2020; ngày 14/01/2022 và tại phiên tòa sơ thẩm ông Nguyễn Doãn Hiên tiếp tục yêu cầu: Xác định di sản thừa kế của cụ Nguyễn Doãn Trúc để lại là 429m2 đất thuộc thửa số 188.3, 288m2 thuộc thửa số 188.1 và 78m2 thuộc thửa số 188.2; Chia toàn bộ di sản thừa kế của bố ông (cụ Nguyễn Doãn Trúc) để lại cho mẹ ông (cụ Nguyễn Thị Nguyên) và 08 anh chị em trong gia đình đối với khối tài sản gồm thửa đất số 188.1 và thửa đất số 188.2; hủy một phần Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do ủy ban nhân dân huyện Bình Xuyên cấp ngày 24/8/2000 cho hộ ông Nguyễn Doãn Thắng đối với thửa đất số 188.1, còn lại diện tích 429m2 đất thuộc thửa số 188.3 ông Nguyễn Doãn Hiển không yêu cầu phân chia.

Xét các nội dung yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn Doãn Hiển, xác định:

về nguồn gốc các thửa đất có tranh chấp: Các đương sự đều thống nhất xác định cụ Nguyễn Doãn Trúc là người duy nhất được thừa hưởng quyền sử dụng thửa đất số 188 diện tích 789m2 do các cụ đời trước để lại. Năm 1993, cụ Trúc có mới cán bộ địa chính xã và Trưởng khu vào đo vẽ tách thửa đất số 188 thành 03 thửa: Thửa số 188.1 (diện tích 288m2, hiện do ông Nguyễn Doãn Thắng sử dụng), thửa số 188.2 (diện tích 72m2, hiện ông Nguyễn Doãn Thắng, bà Nguyễn Thị Mùi sử dụng), thửa số 188.3 (diện tích 429m2, hiện cụ Nguyễn Thị Nguyên, ông Nguyễn Doãn Doanh, ông Nguyễn Doãn Hiển sử dụng). Các thửa đất trên có ranh giới sử dụng riêng, có lối đi riêng và không có tranh chấp với các hộ liền kề.

Cụ Nguyễn Doãn Trúc kết hôn với cụ Nguyễn Thị Thứ cùng chung sống trên toàn bộ thửa đất và có 04 con chung gồm bà Nguyễn Thị Lân, bà Nguyễn Thị Cậy, bà Nguyễn Thị Mùi, ông Nguyễn Doãn Thắng. Năm 1963 cụ Thứ chết. Theo quy định của pháp luật hôn nhân gia đình và thừa kế thì tại thời điểm cụ Thứ chết, di sản thừa kế của cụ Thứ để lại là 394,5m2 (/2 diện tích 789m2) nên cụ Trúc và 04 người con của cụ Trúc, cụ Thứ (bà Lân, bà Cậy, bà Mùi, ông Thắng) mỗi người được hưởng là 394,5m2: 5 = 78,9m2. Tài sản của cụ Trúc tại thời điểm gồm !4 thửa đất là 394,5m2 + 1/5 phần di sản được hưởng của cụ Thứ là 78,9m2 = 473,4m2.

Năm 1967, cụ Trúc kết hôn với cụ Nguyễn Thị Nguyên nên khối tài sản của cụ Trúc được nhập vào khối tài sản chung với cụ Nguyên. Cụ Trúc và cụ Nguyên sinh được 05 người con là bà Nguyễn Thị Vinh, bà Nguyễn Thị Quang, ông Nguyễn Doãn Doanh, ông Nguyễn Doãn Hiển, ông Nguyễn Doãn Chuyên (đã chết khi còn nhỏ). Năm 2016, cụ Nguyễn Doãn Trúc chết, theo quy định của pháp luật thì di sản của cụ Trúc để lại cho cụ Nguyên và 08 người con của cụ Trúc là /2 diện tích 473,4m2 = 236,7m2 đất, được chia thành 9 kỷ phân, mỗi kỷ phần là 26,3m2.

Như vậy, theo quy định của pháp luật thì kể từ ngày cụ Nguyễn Doãn Trúc chêt, kỷ phần của những người thừa kế được xác định:

Các con của cụ Trúc, cụ Thứ (gôm bà Lân, bà Cây, bà Mùi, ông Thăng) môi người được hưởng 78,9m2 + 26,3m2 = 105,2m2. Tổng cộng 04 người là 420,8m2.

Các con của cụ Trúc, cụ Nguyên (gồm bà Vinh, bà Quang, ông Doanh, ông Hiến) mỗi người được hưởng 26,3m2. Tổng cộng 04 người là 105,2m2.

Cụ Nguyên được hưởng 26,3m2 + 236,7m2 (phần tài sản chung) = 263m2.

Tổng diện tích đất cụ Nguyên và các con của cụ Trúc và cụ Nguyên được hưởng là 263m2+ 105,2m2 = 368m2.

Tuy nhiên, theo lời trình bày của các đương sự và các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ thể hiện: Năm 1985, cụ Trúc đã cho ông Thắng, bà Mùi (con của cụ Trúc, cụ Thứ) ở riêng trên nhà đất của cụ Trúc, cụ Thứ làm trước đây (tại thửa số 188.1 và 188.2); còn cụ Trúc, Nguyên đã làm nhà và ở với các con của hai cụ trên diện tích đất 429m2 thuộc thửa số 188.3; giữa thửa số 188.1, 188.2 và thửa số 188.3 đã có khuôn viên riêng, có lối đi riêng từ trước năm 1995. 

Ngày 10/4/1995, cụ Trúc mới Cán bộ địa chính xã và Trưởng khu đến xem xét thực tế và lập “Biên bản tách đất thổ cư khu Đồng Lý” có nội dung: Cụ Trúc chia đất cho các con của cụ với cụ Thứ và các con của cụ với cụ Nguyên, cụ thể: Hộ ông Thắng được chia 288m2, hộ bà Mùi được chia 72m2, hộ cụ Trúc còn lại 428m2 thuộc thửa số 161 tờ bản đồ số 15 được chia 3: Doãn Hiên 180m2, Doãn Hiến 180m2, Thị Quang 68m2. Biên thể hiện cụ thể vị trí, tứ cận của từng thửa đất, có chữ ký của cụ Trúc, ông Thắng, bà Mùi và ông Nguyễn Ánh Ngọc (Trưởng khu), ông Nguyễn Bá Nghị (cán bộ địa chính xã) và xác nhận của ủy ban nhân dân xã Thanh Lãnh. Sau đó ông Thắng, bà Mùi, vợ chồng cụ Trúc, cụ Nguyên cùng các con của hai cụ đã tiếp tục thực hiện việc quản lý, sử dụng phần diện tích được chia làm nơi ở ổn định, có khuôn viên, lối đi riêng và ông Thắng đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2000. Năm 2016 cụ Trúc chết thì đến năm 2017 mới xảy ra tranh chấp.

Theo kết quả xem xét thẩm định tại chỗ, xác định: Thửa đất số 188.1 và thửa số 188.2 có tổng diện tích 369,8m2 hiện do ông Thắng, bà Mùi (con cụ Trúc, cụ Thứ) quản lý sử dụng chung, trong đó thửa số 188.1 ông Thắng đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất., trên đất có 01 nhà cấp bốn và 01 nhà hai tầng. Thửa số 188.3 có diện tích 427,4m2 hiện do cụ Nguyễn, ông Doanh, ông Hiển (con cụ Trúc, cụ Nguyên) quản lý sử dụng, trên đất ông Doanh đã làm một nhà 03 tầng và các ông trình trên diện tích 193,9m2 có lối đi ra đường ngõ cùng phía cổng của gia đình ông Thắng; ông Hiển đã làm một nhà mái bằng và các công trình trên diện tích 233,5m2 đất và lối đi ra cổng sau giáp đường ngõ thuộc Tổ dân phố Yên Thần, thị trấn Thanh Lãng (sự chênh lệch giữa đo đạc thực tế và diện tích thể hiện trên bản đồ các đương sự đều thừa nhận do sai số khi đo đạc, hiện trạng vẫn giữ nguyên từ khi cụ Trúc còn sống).

Như vậy, có đủ cơ sở xác định: Từ những năm 1985 và 1995, sau khi cụ Trúc đã chung sống với cụ Nguyên và sinh được 05 người con (01 con đã chết khi còn nhỏ); bà Lân, bà Cậy đã đi lấy chồng ở nơi khác thì cụ Trúc đã thực hiện việc phân chia toàn bộ thửa đất số 188 thành các thửa số 188.1,188.2,188.3 cho ông Thắng, bà Mùi và 03 người con của cụ Trúc, cụ Nguyên. Mặc dù tại “Biên bản tách đất thổ cư khu Đồng Lý” không có đầy đủ chữ ký của cụ Nguyên và của một số người con (bà Lân, bà Cậy, bà Vinh, bà Quang, ông Doanh, ông Hiển) nhưng sau đó ông Thắng; bà Mùi; vợ chồng cụ Trúc, cụ Nguyên cùng các con của hai cụ đã thực hiện việc quản lý sử dụng phần diện tích đất được chia làm nhà kiên cố ở ổn định, có khuôn viên, lối đi riêng và ông Thắng đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2000 đến năm 2016 khi cụ Trúc chết, các con của cụ Nguyên và cụ Trúc đều không có ý kiến gì. Năm 2017 mới xảy ra tranh chấp. Trên thực tế hiện nay ông Thắng, bà Mùi (con của cụ Trúc, cụ Thứ) sử dụng chung thửa số 188.1 và 188.2 có tổng diện tích 369,8m2; cụ Nguyên, ông Doanh, ông Hiển (con cụ Trúc, cụ Nguyên) sử dụng thửa số 188.3 diện tích 427,4m2. Quá trình giải quyết các con của cụ Trúc, cụ Thứ là bà Lân, bà Cậy, bà Mùi, ông Thắng đều thống nhất đề nghị giữ nguyên hiện trạng sử dụng.

Do đó, theo quy định của pháp luật thì kể từ ngày cụ Trúc chết, phần di sản của 04 người con của cụ Trúc và cụ Thứ sẽ được hưởng là 420,8m2; phần tài sản của cụ Nguyên và phần di sản của cụ Trúc để lại cho các con của cụ Trúc, cụ Nguyên là 368,2m2. Nhưng theo quyết định phân chia di sản thừa kế tại Bản án sơ thẩm thì các con của cụ Trúc và cụ Thứ là chưa đủ phần di sản lẽ ra họ được hưởng theo quy định của pháp luật. Đồng thời, theo nội dung Án lệ số 03/2016/AL ngày 06/4/2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao thì việc năm 1995, cụ Trúc đã phân chia đất cho ông Thắng 288m2 thuộc thửa số 188.1 và bà Mùi 72m2 thuộc thửa số 188.2, trong đó ông Thắng đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2000 đối với thửa số 188.1 (đúng vị trí, diện tích đất do cụ Trúc phân chia năm 1995) nên có cơ sở xác định ông Thắng đã được cụ Trúc tặng cho diện tích 288m2 đất và thể hiện việc cụ Trúc đã định đoạt vượt quá phần tài sản của mình.

Đối với yêu cầu của cụ Nguyên về việc chia tài sản trong khối tài sản chung với cụ Trúc và tính công sức cho cụ Nguyên, xét thấy cụ Nguyên hiện vẫn đang còn sống, không có đơn yêu cầu độc lập mà do ông Nguyễn Doãn Hiển là người đại diện theo ủy quyền có yêu cầu này nên không có căn cứ để chấp nhận.

2. Nội dung vi phạm cần rút kinh nghiêm

Tòa án cấp sơ thẩm đã nhận định “di sản thừa kế của cụ Trúc đã được định đoạt nên không còn để chia theo pháp luật” là có căn cứ. Nhưng quá trình giải quyết vụ án không xác định cụ thể từng yêu cầu của đương sự và căn cứ vào nhận định ở phần trên để quyết định không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn mà lại quyết định chấp nhận một phần yêu cầu yêu cầu chia thừa kế (chia cho bà Mùi được quyền sử dụng thửa đất số 188.2; chia cho ông Doanh được quyền sử dụng diện tích 193,9m2 đất và ông Hiển được quyền sử dụng diện tích 233,5m2 đất thuộc thửa số 188.3) là mâu thuẫn với phần nhận định và không đúng quy định của pháp luật. Dần đến việc buộc ông Hiển, ông Doanh, bà Mùi phải chịu án phí chia di sản thừa kế không đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, theo đơn khởi kiện, cũng như tại phiên tòa sơ thẩm nguyên đơn chỉ yêu cầu chia di sản của cụ Trúc và chia tài sản chung của cụ Nguyên, không có tài liệu nào thể hiện việc nguyên đơn yêu cầu chia di sản của cụ Thứ. Mặt khác nguyên đơn ông Nguyễn Doàn Hiển cũng không có quyền khởi kiện chia thừa kế đối với phần di sản của cụ Thứ để lại, các con của cụ Thứ là ông Thắng, bà Lân, bà Cậy, bà Mùi cũng không ai yêu cầu chia di sản của cụ Thứ mà đề nghị giữ nguyên hiện trạng sử dụng. Vì vậy, việc Tòa án cấp sơ thẩm xác định di sản thừa kế để chia là toàn bộ di sản (bao gồm cả phần di sản của cụ Thứ) để chia thừa kế là xác định không đúng di sản thừa kế và giải quyết vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện của đương sự.

Theo đơn khởi kiện cùa nguyên đơn yêu cầu chia tài sản chung của cụ Nguyên trong khối tài sản chung với cụ Trúc và tính công sức quản lý của cụ Nguyên đối với phần di sản của của cụ Trúc; hiện nay cụ Nguyễn vẫn còn sống nên nguyên đơn không có quyền yêu cầu chia tài sản chung của cụ Nguyên. Tuy nhiên, phần nhận định, quyết định của Bản án sơ thẩm không đề cấp đến nội dung này là không giải quyết hết yêu cầu của đương sự.

Đối với thửa số 188.1 tờ bản đồ số 28 diện tích 288m2 tại Tổ dân phố Đồng Lý, thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên hộ ông Nguyễn Doãn Thắng; tại phần nhận định Bản án sơ thẩm xác định thửa đất này là tài sản của ông Thắng nhưng tại phần quyết định của bản án không tuyên việc chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc phân chia đối với thửa đất này là giải quyết không hết yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, xâm phạm đến quyền lợi ích hợp pháp của đương sự và khó khăn cho việc thi hành án.

Tuy nhiên, xét thấy Tòa án cấp sơ thẩm đã thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh và có đủ điều kiện chứng minh nên Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định không hủy Bản án sơ thẩm mà chỉ sửa bản án sơ thẩm theo đúng quy định của pháp luật./.

Previous Post Next Post

{Dân sự}

{Trao đổi nghiệp vụ}