Sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật vụ án Cướp giật tài sản

Qua công tác kiểm sát xét xử giám đốc thẩm vụ án Đặng Văn Nhất bị cấp sơ thẩm, phúc thẩm xét xử về tội “Cướp giật tài sản” bị Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội hủy án để xét xử phúc thẩm lại. Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội nhận thấy cần thiết thông báo để Viện kiểm sát nhân dân địa phương tham khảo, rút kinh nghiệm như sau:

1. NỘI DUNG VỤ ÁN

Khoảng 11h30’ ngày 22/11/2021, Đặng Văn Nhất đi bộ từ nhà đến cổng trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc với mục đích để trộm cắp tài sản. Khi đến nơi Đặng Văn Nhất thấy phòng bảo vệ nhà trường không có người, cổng trường không khóa có các cháu bé đứng gần cổng trường, trong đó có cháu Nguyễn Khánh Linh học sinh lớp hai trên tai có đeo 01 bông tai màu vàng, Nhất nảy sinh ý định chiếm đoạt. Nhất tiến lại gần và hỏi “cháu có ăn kẹo không”, cháu Linh trả lời “cháu không”, Nhất tiếp tục tiếp cận cháu Linh thông qua việc hỏi chuyện học hành của cháu, Nhất hỏi “cháu học lớp mấy”, cháu Linh trả lời “Cháu học 1 hai”; Nhất tiếp tục hỏi “bông tai cháu đeo làm bằng gì thế”, cháu Linh trả lời “cháu không biết” rồi quay lưng về phía Nhất. Khi thấy cháu Linh quay đi, Nhất tiến sát lại gần cháu Linh từ phía sau và đưa 2 tay lên tháo chiếc bông tai bên tai trái rồi tiếp tục đưa tay tháo chiếc bông tai đeo bên tai phải thì cháu Linh dùng tay gạt ra, nhưng Nhất vẫn tiếp tục tháo bông tai, do sợ nên lúc này cháu Linh đứng im để Nhất tháo nốt bông tai còn lại. Sau khi lấy được đôi bông tai, Nhất cho vào túi quần rồi nói “không được mách bảo vệ, nếu mách bảo vệ chú sẽ đánh” rồi bỏ đi. Ngay sau đó, cháu Linh về nhà báo cho gia đình, còn Nhất đến cửa hàng vàng bạc bán đôi bông tai được 400.000 đồng đã chi tiêu và mua ma túy sử dụng. Kết luận giám định: Đôi bông tai vàng tây 10k, khối lượng 0,4062 chỉ, giá trị 893.640 đồng.

2. QUÁ TRÌNH GIẢI QUYẾT VỤ ÁN

- Bản án hình sự sơ thẩm số 68/2022/HSST ngày 12/7/2022 của Tòa án nhân dân thành phố c và Bản án hình sự phúc thẩm số 22/2022/HSPT ngày 14/9/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh L áp dụng điểm g, khoản 2, Điều 171 BLHS; điểm h, s khoản 1, 2 Điều 51; điểm h, khoản 1 Điều 52 BLHS xử bị cáo Đặng Văn Nhất về tội “Cướp giật tài sản”; mức án 03 năm 06 tháng tù.

- Trên cơ sở đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh ngày 03/3/2023, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội có Quyết định số 05/2023/QĐ- VC1-HS kháng nghị Bản án hình sự phúc thẩm số 22/2022/HS-PT ngày 14/9/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh L về tội danh, hình phạt.

- Quyết định giám đốc thẩm số 16/2023/HS-GĐT ngày 28/4/2023, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã quyết định: Chấp nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội: Hủy Bản án hình sự phúc thẩm số 22/2022/HS-PT ngày 14/9/2022 để xét xử lại theo hướng sửa các bản án hình sự sơ thẩm, phúc thẩm đối với bị cáo Đặng Văn Nhất về tội “Cướp tài sản” theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 168 BLHS và tăng hình phạt đối với bị cáo.

- Bản án hình sự phúc thẩm số 19/2023/HS-PT ngày 12/7/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh L đã quyết định: áp dụng điểm b khoản 1 Điều 355; diem a khoản 2 Điều 357 của BLTTHS sửa bản án hình sự sơ thẩm số 68/2022/HS-ST ngày 12/7/2022 về phần tội danh và hình phạt đối với Đặng Văn Nhất. Áp dụng điểm e khoản 2 Điều 168 BLHS; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm h khoản 1 Điều 52 BLHS, xét xử Đặng Văn Nhất về tội “Cướp tài sản”, mức án 07 năm 06 tháng tù.

3. NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN RÚT KINH NGHIỆM

Khi Đặng Văn Nhất lấy chiếc bông tai thứ nhất thì cháu Nguyễn Khánh Linh (sinh 20/02/2014) đã không đồng ý đưa tay lên gạt ra nhưng bị cáo vẫn tiếp tục thực hiện lấy chiếc bông tai thứ hai. Bằng hành động bị cáo Nhất trợn mắt lên dọa làm cho cháu Linh rất sợ hãi, sợ bị đánh, không dám chống cự. Tại thời điểm đó, có cả hai cháu Lỗ Thị Minh Phương, Nguyễn Thị Kim Chi (cùng sinh 2014) chứng kiến đều sợ hãi, không dám kêu cứu. Sau khi lấy được đôi bông tai bị cáo Nhất còn nói “không được mách bảo vệ, nếu mách chú sẽ đánh” rồi bỏ đi. Như vậy Đặng Văn Nhất đã có hành động, lời nói đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc làm cho cháu Linh lâm vào tình trạng tê liệt ý chí, không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản là đôi bông tai trị giá 893.640 đồng của cháu Nguyễn Khánh Linh. Hành vi phạm tội của bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội “Cướp tài sản” với tình tiết định khung “Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi” được quy định tại điểm e khoản 2 Điều 168 BLHS.

Như vậy, việc Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm xử phạt bị cáo Đặng Văn Nhất về tội “Cướp giật tài sản” theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 171 của BLHS là sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật, dẫn đến quyết định về tội danh, hình phạt chưa phù hợp. Do đó, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội quyết định hủy án để xét xử phúc thẩm lại bị cáo Đặng Văn Nhất về tội “Cướp tài sản” và tăng hình phạt. Sau đó, Tòa án cấp phúc thẩm tỉnh L đã xét xử lại, tuyên bị cáo Đặng Văn Nhất phạm tội “Cướp tài sản” theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 168 BLHS xử phạt bị cáo 07 năm 06 tháng tù.

Thông qua vụ án cụ thể này, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội thông báo đến các Viện kiểm sát nhân dân địa phương tham khảo, rút kinh nghiệm khi giải quyết vụ án tương tự xảy ra ở địa phương./.

Previous Post Next Post

{Dân sự}

{Trao đổi nghiệp vụ}