Bản án hình sự sơ thẩm, phúc thẩm áp dụng không đúng quy định của pháp luật

Vừa qua Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã quyết định: Huỷ Bản án hình sự phúc thẩm số 32/2020/HSPT ngày 31/7/2020 của Toà án nhân dân tỉnh YB về phần tội danh và hình phạt đối với các bị cáo Vàng A Dia, Sùng A Lồng và Hờ A Dinh; giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân tỉnh YB để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật. Thông qua vụ án này, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội thông báo để Viện kiểm sát nhân dân các cấp cùng nghiên cứu, rút kinh nghiệm như sau:

Bản án hình sự sơ thẩm, phúc thẩm ap dụng không đúng quy định của pháp luật

1. Nội dung và quá trình giải quyết vụ án:

Ngày 05/11/2018, Vàng A Dia nói chuyện với Sùng A Lồng và Hờ A Dinh về việc trong rừng thuộc xã KT, huyện TY có 01 cây xoan to đã chết khô. Dia rủ Lồng và Dinh đi xem, nếu gỗ tốt thì xẻ thành tấm mang về sử dụng, Dinh và Lồng đồng ý. Ngày hôm sau, cả 03 người cùng đi vào rừng thuộc xã KT, huyện TY để xem gỗ.

Sáng ngày 06/11/2018, Vàng A Dia, Sùng A Lồng và Hờ A Dinh mang theo 01 máy cưa chạy băng xăng, 02 con dao tay, xăng, nhớt và thực phẩm, đồ dùng nấu ăn rồi cùng nhau vào lô 10, khoảnh 54, tiểu khu 394, rừng tự nhiên phòng ụ thuộc địa phận thôn Đồng Song, xã KT. Tại đây, Sùng A Lồng và Hờ Dinh dựng lán, còn Vàng A Dia dùng cưa máy cắt đổ cây gỗ xoan mộc, sau đổ cùng nhau cắt, xẻ cây gỗ thành nhiều tấm. Đến chiều ngày 13/11/2018, trong khi Vàng A Dia, Sùng A Lồng và Hờ A Dinh đang xẻ gỗ thì bị tổ bảo vệ rùng thuộc Hạt kiểm lâm huyện TY bắt quả tang. Thu giữ 01 chiếc cưa xăng, 01 lam cưa (lưỡi cưa). Toàn bộ số gỗ cây xoan mộc được giao cho tổ quản lý và bảo vệ rùng thuộc Ban quản lý dự án bảo vệ và phát triển rừng huyện TY, tỉnh YB.

Tại Công văn số 131/CV-KL ngày 17/12/2018, Công văn số 04/CV-KL ngày 14/01/2020 của Hạt kiểm lâm huyện TY và Kết luận định giá tài sản số 04/KL-HĐĐG ngày 07/2/2020 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện TY đã xác định: Cây gỗ bị chặt hạ là cây gỗ Xoan mộc thuộc gỗ nhóm VI, vị trí cây gỗ thuộc địa phận thôn Đồng Song, xã KT, huyện TY, tại tiểu khu 394, khoảnh 54, lô 10, thuộc diện tích rừng tự nhiên phòng hộ, nằm trên tờ bản đồ giao khoán bảo vệ do ông Dương Kim Lâm là tổ trưởng tổ bảo vệ rừng tự nhiên phòng hộ thôn Đồng Song.

Phần gỗ bị chặt phá, khai thác sau khi được xem xét, đo đạc, xác định lại gồm: 04 lóng khúc gỗ và 06 thanh tấm có tổng khối lượng là 16,872 mét khối (1113). Trị giá: 16,872m3 X 5.000.000 đồng/lm3 = 84.360.000 đồng.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 11/2020/HSST ngày 21/5/2020, Tòa án nhân dân huyện TY, tỉnh YB tuyên bố các bị cáo Vàng A Dia, Sùng A Lồng, Hờ A Dinh phạm tội “Trộm cắp tài sản Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 173, điểm b, s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự (Đối với bị cáo Hờ A Dinh được áp dụng thêm khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự), xử phạt: Vàng A Dia 03 năm tù; Sùng A Lồng 02 năm 10 tháng tù; Hờ A Dinh 02 năm 08 tháng tù.

Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn quyết định các vấn đề khác theo quy định.

Ngày 01/6/2020, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện TY, tỉnh YB ra Quyết định kháng nghị phúc thẩm đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 11/2020/HSST ngày 21/5/2020 của Tòa án nhân dân huyện TY. Đề nghị Toà án nhân dân tỉnh YB xét xử phúc thẩm, sửa bản án sơ thẩm đê xét xử các bị cáo về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 232 Bộ luật hình sự.

Ngày 02/6/2020, các bị cáo Vàng A Dia, Sùng A Lồng, Hờ A Dinh có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và được hưởng án treo.

Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 32/2020/HSPT ngày 31/7/2020, Toà án nhân dân tỉnh YB quyết định: Sửa bản án hình sự sơ thẩm, tuyên bố các bị cáo Vàng A Dia, Sùng A Lồng, Hờ A Dinh phạm tội “Trộm cắp tài sản. Áp dụng thêm Điều 65 Bộ luật hình sự, giữ nguyên mức hình phạt tù nhưng cho các bị cáo Vàng A Dia, Sùng A Lồng, Hờ A Dinh được hưởng án treo.

Căn cứ báo cáo đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh YB, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã ban hành kháng nghị giám đốc thẩm số 29/QĐ-VC1-HS ngày 21/6/2021 đề nghị Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, huỷ Bản án hình sự phúc thẩm số 32/2020/HSPT ngày 31/7/2020 của Toà án nhân dân tỉnh YB về phần tội danh và hình phạt đối với Vàng A Dia, Sùng A Lồng và Hờ A Dinh để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật. 

Tại Quyết định giám đốc thẩm số 53/2021/HS-GĐT ngày 20/9/2021, Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân cấp cao tại Hà Nội quyết định: Chấp nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 29/QĐ-VC1-HS ngày 21/6/2021 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội; Huỷ Bản án hình sự phúc thẩm số 32/2020/HSPT ngày 31/7/2020 của Toà án nhân dân tỉnh YB về phần tội danh và hình phạt đối với Vàng A Dia, Sùng A Lồng và Hờ A Dinh.

2. Nội dung rút kinh nghiệm

Về tội danh

Qua quá trình điều tra, xác minh cho thấy đây là rừng tự nhiên phòng hộ thuộc quyền quản lý và nguồn đầu tư của Nhà nước, không giao cho tổ chức, tập thể, hộ gia đình, cá nhân làm chủ và sử dụng lâu dài vào mục đích lâm nghiệp, không cá nhân nào bỏ vốn đầu tư trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Ông Dương Kim Lâm là tổ trưởng tổ bảo vệ, chỉ có trách nhiệm bảo vệ rừng và được ngân sách Nhà nước chi trả tiền thù lao. Như vậy, trong trường hợp này cần áp dụng điểm a mục 1.1 Điều 1 phần IV của Thông tư liên tịch số 19/2007/TTLT- BNN&PTNT-BTP-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 08/3/2007 hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản để xác định hành vi của các bị cáo Vàng A Dia, Sùng A Lồng và Hờ A Dinh đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 232 Bộ luật hình sự. Việc Toà án cấp sơ thẩm, phúc thẩm nhận định các bị cáo không phải là chủ rừng, đã thực hiện hành vi lén lút khai thác nhằm chiếm đoạt cây Xoan mộc trong rừng tự nhiên phòng hộ của Ban quản lý dự án bảo vệ và phát triển rừng huyện TY để xét xử các bị cáo về tội “Trộm cắp tài sản” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 173 Bộ luật hình sự là không đúng quy định pháp luật. Việc cơ quan cảnh sát điều tra, Viện kiểm sát nhân dân huyện TY, tỉnh YB đã khởi tố và truy tố các bị cáo về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” quy định tại điểm d khoản 3 Điều 232 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật. 

Về hình phạt:

Việc Tòa án cấp phúc thẩm áp dụng thêm Điều 65 Bộ luật hình sự cho các bị cáo Vàng A Dia, Sùng A Lồng, Hờ A Dinh được hưởng án treo là không nghiêm, không đánh giá đúng tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo. Quá trình giải quyết vụ án cấp phúc thẩm cần xem xét tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi, vai trò của từng bị cáo trong vụ án. Đặc biệt, hiện nay tình trạng chặt phá rừng làm nương rẫy, khai thác lâm sản trái phép từ rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng, rừng tự nhiến phòng hộ ngày càng gia tăng và có diễn biến phức tạp, gây nguy hại đến tài nguyên rừng, tiềm ẩn hiểm hoạ khôn lường đến môi trường sinh thái, xâm phạm sự phát triển bền vững tài nguyên và môi trường. Do đó, cần phải có hình phạt nghiêm khắc tương xứng với hành vi các bị cáo gây ra nhằm giáo dục và nâng cao công tác phòng ngừa chung, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.

Thông qua vụ án này, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội thấy cần thông báo để Viện kiểm sát các tỉnh, thành phố trong khu vực rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự. Đồng thời, biểu dương Viện kiểm sát địa phương đã nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, nắm vững các chứng cứ, tình tiết của vụ án và các văn bản liên quan, kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình để kháng nghị phúc thẩm và đề xuất kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm để khắc phục sai lầm trong việc xét xử của Toà án. Qua đó khẳng định, nâng cao vai trò, vị thế của Ngành kiểm sát nhân dân trong quá trình thực thi pháp luật./.

Previous Post Next Post

{Dân sự}

{Trao đổi nghiệp vụ}