Vi phạm về mặt tố tụng và xác định đối tượng tranh chấp chưa đúng

Qua công tác kiểm sát việc giải quyết theo thủ tục phúc thẩm đối với vụ án dân sự giải quyết “Tranh chấp quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất; yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, giữa nguyên đơn là bà Phạm Thị Thái với bị đơn là ông Phạm Văn Việt, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội thấy trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm đã có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng và nội dung, cần rút kinh nghiệm nhu sau:

Vi phạm về mặt tố tụng và xác định đối tượng tranh chấp chưa đúng

1. Nội dung vụ án

Diện tích 292m2 đất tranh chấp tại thửa số 2743 (trước đây là thửa số 315), tờ bản đồ số 04 xã Tr, huyện T, tỉnh N được ủy ban nhân dân huyện T cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) số L619993, vào sổ cấp GCN số 1693/QSD Đ/QĐUB/161/QĐ/UB ngày 17/9/1997 mang tên cụ Phạm Thị Chới (mẹ bà Phạm Thị Thái).

Bà Phạm Thị Thái cho rằng diện tích đất trên là của ông, bà nội bà để lại cho bố mẹ bà là cụ Phạm Văn Chới và cụ Phạm Thị Chới sử dụng từ năm 1955, trên đất có 01 nhà ngói 03 gian xây dựng năm 1939. Năm 1970, mẹ bà là cụ Phạm Thị Chới cho cụ Phạm Văn Nhung (là bố ông Phạm Văn Việt) ở nhờ tại 02 gian nhà, còn mẹ bà ở 01 gian. Năm 2003, cụ bà Phạm Thị Chới chết, cụ Nhung vẫn ở nhờ trên đất của bố mẹ bà cho đến năm 2009 cụ Nhung chết, giao cho ông Việt quản lý, sử dụng thì phát sinh tranh chấp. Bà Thái khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc ông Việt phải trả lại cho bà nhà đất nêu trên.

Ông Phạm Văn Việt cho rằng nhà đất tranh chấp là do bố ông là cụ Phạm Văn Nhung mua của ông Phạm Văn Tiễu năm 1970, có giấy giao kèo của ông Tiễu cho viết tháng 9/1996. Trước khi chuyển nhượng cho cụ Nhung, ông Tiễu cho cụ bà Phạm Thị Chới ở nhờ 01 gian và ông Tiễu có giấy đề nghị ngày 12/10/1996 với nội dung khi cụ bà Phạm Thị Chới chết thì giao quyền cho cụ Nhung sử dụng để trồng trọt và thờ cúng ông bà, cha mẹ ông Tiễu, không ai được sang nhượng dưới mọi hình thức. Năm 2009, cụ Nhung chết giao cho ông Việt quản lý và ông Việt sử dụng nhà đất làm nơi thờ cúng bố mẹ, ông bà tổ đường nên ông Việt không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của bà Thái.

2. Quá trình giải quyết vụ án

- Bản án dân sự sơ thẩm số 18/2018/DSST ngày 02/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh N quyết định chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Phạm Thị Thái.

- Bản án dân sự phúc thẩm số 35/2019/DSPT ngày 10/06/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh N quyết định hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 18/2018/DSST ngày 02/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện T, chuyển hồ sơ cho Tòa Dân sự Tòa án nhân dân tỉnh N giải quyết lại theo trình tự sơ thẩm.

- Bản án dân sự sơ thẩm số 01/2020/DSST ngày 18/12/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh N quyết định: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Phạm Thị Thái; tuyên hủy GCNQSDĐ do UBND huyện T cấp cho hộ cụ Phạm Thị Chới; xác định diện tích đất thổ cư 94,7m2 tại thửa đất số 2743, tờ bản đồ số 4 xã Tr, huyện T, tỉnh N thuộc quyền quản lý, sử dụng của các bà Phạm Thị Thái, Phạm Thị Hồng và được quyền sở hữu, sử dụng một nhà bếp có giá 1.400.000 đồng; xác định diện tích đầt thổ cư 189,7m2 tại thửa đất số 2743, tờ bản đồ số 4 xã Tr, huyện T, tỉnh N thuộc quyền quản lý, sử dụng của ông Phạm Văn Việt và được quyền sở hữu, sử dụng 03 gian nhà cấp bốn lợp ngói trị giá 18.000.000 đồng cùng các công trình xây dựng khác trên thửa đất sô 2743; bà Phạm Thị Thái, bà Phạm Thị Hông, ông Phạm Văn Việt có nghĩa vụ là thủ tục kê khai đăng ký lại quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật; buộc ông Phạm Văn Việt phải có trách nhiệm thanh toán chênh lệch cho bà Thái 95,3m2 x 1.600.000 đồng = 152.480.000 đồng; buộc vợ chồng ông Phạm Văn Việt, bà Phạm Thị Lụa có trách nhiệm đánh chuyển một số cây xanh, cây sung cảnh trồng trên diện tích đất phân chia cho bà Thái và bà Hồng để trả lại diện tích đất thổ cư 94,7m2 tại thửa đất số 2743, tờ bản đồ số 4 xã Tr, huyện T, tỉnh N cho bà Phạm Thị Thái và bà Phạm Thị Hồng đang do vợ chồng ông Việt, bà Lụa quản lý sử dụng.

- Ngày 10/3/2020, bà Phạm Thị Thái kháng cáo đề nghị sửa Bản án sơ thẩm, buộc ông Việt trả lại 03 gian nhà và 292m2 đất tại thửa đất số 2743 cho gia đình bà.

- Bản án dân sự phúc thẩm số 43/2021/DS- PT của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội quyết định hủy toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm số 01/2020/DSST ngày 18/12/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh N để xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật.

3. Những vấn đề cần rút kinh nghiệm

- Về tố tụng: Do bị đơn là ông Phạm Văn Việt có yêu cầu phản tố (để nghị Tỏa án công nhận nhà đất tranh chấp là của bố ông là cụ Phạm Văn Nhung mua của ông Phạm Văn Tiễu năm 1970 sau thời điếm Tòa án mở phiên họp kiểm tra, giao nộp chứng cứ nên Tòa án cấp sơ thẩm không thụ lý yêu cầu phản tố của ông Việt. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm lại công nhận cho ông Việt được quyền sở hữu, sử dụng 03 căn nhà cấp bốn cùng các công trình xây dựng trên đất và được quyền quản lý, sử dụng 189,7m2 đất tại thửa đất số 2743 là không đúng, vi phạm nghiêm trọng tố tụng.

- Về nội dung:

Theo Bản đồ địa chính đo đạc năm 1981, chỉnh lý năm 1985 thì cụ bà Phạm Thị Chới đứng tên chủ sử dụng thửa đất số 315 diện tích 190m2 đất ở; cụ Phạm Văn Nhung đứng tên chủ sử dụng thửa đất số 314 diện tích 1,340m2, trong đó có 500m2 đất ở. Bản đồ địa chính lập năm 1992, chỉnh lý năm 1997, cụ bà Phạm Thị Chới đứng tên chủ sử dụng thửa đất số 2743 (trước đây là thửa sổ 315) diện tích 292m2 đất ở; hộ cụ Phạm Văn Nhung đứng tên chủ sử dụng thừa đất số 2744 diện tích 3051112 (bao gồm cụ Nhung 175m2 đất ở và ông Việt 130m2 đất vườn) và thửa đất số 2745 diện tích 687m2 (bao gồm cụ Nhung 280m2 đất vườn và anh Thành 407m2 đất, gồm: 160m2 đất ở, 67m2 đất vườn và 180m2 đất ao).

Năm 1992, cụ Chới có đơn đăng ký quyền sử dụng đất đối với thửa đất có vị trí, kích thước tương ứng với thửa đất số 2743; cụ Nhung có đơn đăng ký quyền sử dụng đất đối với 02 thửa đất, trong đó có 01 thửa có vị trí, kích thước tương ứng với thửa đất số 2744. Ngày 08/5/1997, cụ Chới có đơn xin đăng ký quyền sử dụng thửa đất số 2743 diện tích 292m2 đất ở và ngày 17/9/1997 được UBND huyện T cấp GCNQSDĐ mang tên cụ Phạm Thị Chới. Năm 2002, cụ Nhung có đơn xin đăng ký quyền sử dụng 06 thửa đất, trong đó có thửa số 2744 diện tích 175m2 đất ở và thửa 2745 diện tích 280m2 đất vườn. Hồ sơ quản lý đất đai thể hiện cụ Nhung không đăng ký kê khai quyền sử dụng đất đối với thửa dất số 2743.

Như vậy, GCNQSDĐ số L619993 do UBND huyện T cấp cho cụ Chới tại thửa đất số 2743 diện tích 292m2, tăng thêm 102m2 so với Bản đồ địa chính đo đạc năm 1981, chỉnh lý năm 1985. Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện T xác định diện tích 102m2 đất tăng thêm của thửa đất số 2743 tăng trong khoảng thời gian 10 năm từ thời điểm đo đạc Bản đồ năm 1981 đến thời điểm đo đạc Bản đồ năm 1992 là do lấn sang thửa đất số 2744 của cụ Nhung. Tuy nhiên, các đương sự đều thừa nhận ngôi nhà 03 gian trên thửa đất số 2743 được xây dựng từ khoảng năm 1935 đến 1939 và xây hết cạnh phía Tây của thửa đất số 2743, giáp với nhà cụ Nhung xây dựng trên thửa đất số 2744, hiện vẫn còn nguyên trạng (sử dụng ổn định từ đó đến nay là khoảng 82 năm không thay đổi. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm không làm rõ có hay không việc cụ Chới là chủ sử dụng thửa đất số 2743 lấn sang thửa đất số 2744 của cụ Nhung? thời điểm lấn và lấn ở vị trí nào nhưng đã công nhận cho ông Việt được toàn quyền sở hữu, sử dụng 03 gian nhà và được quyền quản lý, sử dụng 189,7m2 đất tại thửa đất số 2743; bà Thái được quyền quản lý, sử dụng 94,7m2 tại thửa đất số 2743; buộc ông Việt phải thanh toán giá trị quyền sử dụng diện tích 95,3m2 đất cho bà Thái là không chính xác, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.

Mặt khác, hồ sơ địa chính và lời khai của các đương sự đều thống nhất xác định thửa đất tranh chấp là thửa số 2743 nhưng tại Biên bản thẩm định tài sản tranh chấp và sơ đồ thẩm định ngày 08/10/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh N thể hiện thửa đất tranh chấp là thửa số 2907, tờ bản đồ số 04 lập năm 1997 là không đúng vị trí thửa đất tranh chấp.

Do Bản án sơ thẩm có vi phạm nghiêm trọng cả về tố tụng và nội dung nên Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm đã chấp nhận ý kiến phát biểu của Kiểm sát viên. Hủy toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm để xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật.

Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội thông báo để Viện kiểm sat nhân dân các tỉnh, thành phố nghiên cứu, rút kinh nghiệm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự.

Previous Post Next Post

{Dân sự}

{Trao đổi nghiệp vụ}