Trả lời khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự

Thực hiện Công văn số 5881/VKSTC-VP ngày 30/12/2020 của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao về việc trả lời những nội dung khó khăn, vướng mắc của VKSND địa phương trong nhận thức và áp dụng pháp luật về thi hành án dân sự (THADS), thi hành án hành chính (THAHC); sau khi trao đổi, thống nhất với Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (Vụ 14), Vụ Kiểm sát thi hành án dân sự (Vụ 11) trả lời như sau:
Trả lời khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự

1. Điều 31 Luật Thi hành án dân sự (THADS) quy định đơn yêu cầu phải có nội dung thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án (THA) của người phải THA là không phù hợp với thực tế, do người có đơn yêu cầu THA khó có thể tự xác minh điều kiện THA của người phải THA mà thường yêu cầu Chấp hành viên xác minh điều kiện THA của người phải THA hoặc nếu có xác minh điều kiện THA của người phải THA thì kết quả xác minh đó chưa đảm bảo tính chính xác, khách quan (Yên Bái).

Trả lời: Theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 31 Luật THADS năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 (viết tắt là Luật THADS) về đơn yêu cầu THA có ghi:

đ) Thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, nếu có

Do quy định trên là "nếu có ” nên người có đơn yêu cầu THA có thể ghi nội dung thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án của người phải THA trong đơn yêu cầu (nếu người có đơn yêu cầu biết) hoặc không ghi (nếu người có đơn yêu cầu không biết). Việc ghi nội dung thông tin về tài sản, điều kiện THA của người phải THA trong đơn yêu cầu còn là cơ sở cho Cơ quan THA xác minh tài sản THA được nhanh chóng, thuận tiện. Vì vậy, quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 31 Luật THADS là cần thiết và phù hợp với thực tiễn.

2. Khoản 1 Điều 74 Luật THADS quy định việc “Xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để thi hành án” còn vướng mắc khi thực hiện, cụ thể: Việc cưỡng chế đối với tài sản thuộc sở hữu chung còn gặp nhiều khó khăn, bởi Điều 74 chưa quy định cụ thể việc thực hiện khởi kiện của các đồng sở hữu, của người được thi hành án và của Chấp hành viên (Vĩnh Long)

Trả lời: Khoản 1 Điều 74 Luật THADS quy định cách thức xác định, phân chia tài sản chung để thi hành án, cụ thể: “Trường hợp chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải THA trong khối tài sản chung để THA thì Chấp hành viên phải thông báo cho người phải THA và những người có quyền sở hữu chung đổi với tài sản, quyền sử dụng đất biết để họ tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận vi phạm quy định tại Điều 6 của Luật này hoặc thỏa thuận không được và không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên thông báo cho người được THA cỏ quyền yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải THA trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự. Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà người được THA không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải THA trong khối tài sàn chung theo thủ tục tố tụng dân sự. Chấp hành viên xử lý tài sản theo quyết định của Toà án

Tuy nhiên, tại điểm c khoản 2 Điều Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS (viết tắt là Nghị định số 62/2015), hướng dẫn thực hiện khoản 1 Điều 74 Luật THADS lại quy định Chấp hành viên tiến hành tự phân chia tài sản chung của vợ chồng, hộ gia đình; nếu vợ chồng hoặc các thành viên trong hộ gia đình không đồng ý với việc phân chia của Chấp hành viên thì có quyền yêu cầu Tòa phân chia tài sản chung; hết thời hạn mà họ không khởi kiện thì Chấp hành viên tiến hành kê biên, xử lý tài sản theo sự phân chia của Chấp hành viên. Như vậy, quy định tại điểm c khoản 2 Điều Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ- CP và khoản 1 Điều 74 Luật THADS có những điểm chưa đồng bộ, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Bên cạnh đó, khi Chấp hành viên không có cơ sở để xác định được phần tài sản của người phải THA trong khối tài sản chung thì đã yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định tại khoản 9 Điều 27 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, hiện nay đã xảy ra 02 trường hợp:

- Trường hợp Tòa án không thụ lý với lý do Chấp hành viên không có quyền yêu cầu khởi kiện theo quy định tại Điều 187 Bộ luật Tố tụng dân sự.

- Trường hợp Tòa án đã thụ lý nhưng Chấp hành viên không thể đáp ứng nội dung quy định về việc phải cung cấp chứng cứ để Tòa án xem xét giải quyết theo Điếu 6 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Tại cuộc họp liên ngành ngày 11/11/2020, lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã thống nhất, về nguyên tắc phải thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật THADS. Đồng thời, để thực hiện được, Bộ Tư pháp có văn bản gửi Tòa án nhân dân tối cao nêu rõ vướng mắc trên để đề nghị Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thống nhất đối với các Tòa án nhân dân địa phương thực hiện.

3. Điều 46 Luật THADS quy định hết thời hạn tự nguyện THA nếu người phải THA có điều kiện THA mà không tự nguyện THA thì bị cưỡng chế. Tuy nhiên, Luật không quy định thời hạn ra quyết định cưỡng chế dẫn đến việc Cơ quan THADS tuỳ tiện ra quyết định, có việc tổ chức cưỡng chế ngay sau khi hết thời gian tự nguyện, có việc để kéo dài (Trà Vinh).

Trả lời: Luật THADS hiện hành không quy định cụ thể thời hạn ra quyết định cưỡng chế trong trường hợp người phải THA có điều kiện THA mà không tự nguyện thi hành (chỉ quy định thời gian ra quyết định cưỡng chế THA trong trường hợp áp dụng các biện pháp bảo đảm tại các điều 67, 68, 69 Luật THADS).

Tuy nhiên, khoản 1 Điều 20 Luật THADS quy định nhiệm vụ của Chấp hành viên có nêu: “Kịp thời tổ chức thi hành vụ việc được phân công; ra quyết định thi hành án theo thẩm quyển đồng thời, khoản 1 Điều 85 Nghị định số 62/2015/NĐ- CP quy định: “Thủ trưởng Cơ quan THADS, Chấp hành viên, công chức làm công tác THA, cá nhân và tổ chức khác không thi hành đủng bản án, quyết định, trì hoãn việc THA, áp dụng biện pháp cưỡng chế THA trái pháp luật, vi phạm các quy định về thủ tục THADS thì tùy theo mức độ vi phạm bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây ra thiệt hại thì phải bồi thường”.

Như vậy, Thủ trưởng Cơ quan THADS, Chấp hành viên, công chức làm công tác THA có trách nhiệm thi hành bản án, quyết định và áp dụng các biện pháp cưỡng chế THA đúng quy định của pháp luật và kịp thời. Kiểm sát viên khi kiểm sát mà phát hiện những vụ việc để kéo dài mà không có lý do chính đáng thì phải kiến nghị.

4. Khoản 2 Điều 67 Luật THADS quy định: “Quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ phải xác định rõ số tiền, tài sản bị phong tỏa...”. Việc thực hiện quy định này không đảm bảo được yêu cầu ngăn chặn việc dịch chuyển tài sản. Chấp hành viên trước khi ra quyết định phong tỏa tài khoản thì cần phải xác minh được chính xác số tiền hiện có trong tài khoản là bao nhiêu nên phải cần xác minh từ phía Ngân hàng, vì vậy sẽ cần nhiều thời gian và không đáp ứng được yêu cầu của việc ngăn chặn (Lào Cai)

Trả lời: Thực tế, nội dung trên không có vướng mắc. Khoản 2 Điều 67 Luật THADS ngoài nội dung quy định như trên, còn quy định: “Trường hợp cần phong tỏa ngay tài khoản, tài sản của người phải thi hành án ở nơi gửi giữ mà chưa ban hành quyết định phong tỏa, thì Chấp hành viên lập Biên bản yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý tài khoản, tài sản của người phải thi hành án phong tỏa tài khoản đó. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, Chấp hành viên phải ra quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản. Cơ quan, tổ chức cá nhân phải thực hiện ngay yêu cầu của Chấp hành viên... ”

Như vậy, thời gian để Chấp hành viên ra Quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản là trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập Biên bản, đủ thời gian để Chấp hành viên xác định số tiền trong tài khoản.

5. Điều 95 Luật THADS quy định trong trường hợp kê biên nhà ở gắn liền với đất thuộc quyền sử dụng của người khác mà họ không đồng ý thì Chấp hành viên vẫn tiến hành kê biên nhà ở. Nhưng thực tế việc kê biên nhà ở mà không kê biên quyền sử dụng đất thì không xử lý được, gây tốn kém chi phí (Cà Mau).

Trả lời: Theo khoản 2 Điều 95 Luật THADS quy định: “Khi kê biên nhà ở phải kê biên cả quyền sử dụng đất gắn liền với nhà ở. Trường hợp nhà ở gắn liền với đất thuộc quyền sử dụng của người khác thì Chấp hành viên chỉ kê biên nhà ở và quyền sử dụng đất để thi hành án nếu người có quyền sử dụng đất. đồng ý. Trường hợp người có quyền sử dụng đất không đồng ý thì chỉ kê biên nhà ở của người phải thi hành án, nếu việc tách rời, nhà ở và đất không làm giảm đáng kể giá trị căn nhà.

Như vậy, trong trường họp người có quyền sử dụng đất không đồng ý thì Chấp hành viên chỉ kê biên nhà ở của người phải THA nếu việc tách rời nhà ở và đất không làm giảm đáng kể giá trị căn nhà. Nếu người có quyền sử đụng đất không đồng ý và việc kê biên làm giảm đáng kể giá trị căn nhà thì Chấp hành viên kê biên tài sản khác của người phải THA, nếu không trái quy định của pháp luật.

6. Mặc dù pháp luật quy định Chấp hành viên có quyền “kê biên, xử lý để THA” trong trường hợp đương sự tẩu tán tài sản nhưng trong thực tiễn, Cơ quan THADS rất khó thực hiện trong trường hợp kê biên tài sản là cổ phần vốn góp. Để bảo đảm nghĩa vụ THA, Chấp hành viên đã ra quyết định kê biên. Sau khi kê biên, có người khác tranh chấp, Chấp hành viên thông báo cho đương sự, người có tranh chấp thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật THADS về quyền của họ được khởi kiện tại Tòa án. Tuy nhiên, trong thời hạn để các đương sự thực hiện quyền khởi kiện, Cơ quan THADS chưa áp dụng biện pháp gì để ngăn chặn việc công ty này chuyển nhượng tài sản khác; dẫn đến, quá trình THA, thực hiện việc bán đấu giá cồ phần trên cũng không bán được do giá trị cổ phần vốn góp giảm hoặc bán được nhưng số tiền thu được không đủ để thực hiện chi phí cưỡng chế bán đấu giá (Thanh Hóa).

Trả lời: Việc kê biên cổ phần, vốn góp được quy định cụ thể tại Điều 92 Luật THADS và xảy ra 02 trường họp:

- Trường hợp kết quả xác minh sơ bộ cho thấy giá trị tài sản là cổ phần, vốn góp thấp hơn nghĩa vụ phải THA và người phải THA còn tài sản khác để thi hành nhưng Chấp hành viên và cơ quan THADS không áp dụng biện pháp ngăn chặn, để xảy ra việc tẩu tán tài sản thì Chấp hành viên và cơ quan THADS có vi phạm; đồng thời, có trách nhiệm của Viện kiểm sát trong thực hiện kiểm sát THADS.

- Trường họp kết quả xác minh sơ bộ cho thấy giá trị tài sản là cổ phần, vốn góp bằng hoặc cao hơn nghĩa vụ phải THA và người phải THA còn tài sản khác thì Chấp hành viên và cơ quan THADS không áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với tài sản khác của người phải THA. Do tính chất của loại tài sản là cổ phần, vốn góp không có giá trị ổn định và phụ thuộc vào kết quả hoạt động của doanh nghiệp được góp cổ phần, góp vốn nên đến thời điểm xử lý tài sản, giá trị tài sản có sự thay đổi lớn (có thể giảm đáng kể so với thời điểm xác minh, thậm chí giá trị không còn). Mặt khác, tài sản khác của người phải THA (không được cơ quan THADS áp dụng biện pháp ngăn chặn) đã được chuyển quyền sở hữu, sử dụng và đương sự không sử dụng tiền thu được để THA. Trong trường hợp này, Chấp hành viên và cơ quan THADS không có vi phạm.

Do việc THA chưa kết thúc theo quy định tại Điều 52 Luật THADS, người phải THA còn nghĩa vụ thi hành nên việc kê biên đối với tài sản khác của đương sự được thực hiện theo quy định của Luật THADS và khoản 1 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP (nay là Nghị định hợp nhất).

Khoản 1 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định: “7. Kể từ thời điểm bản án, quỷết định có hiệu lực pháp luật, nếu người phải THA chuyển đổi, tặng cho, bán, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cổ tài sản cho người khác mà không sử dụng khoản tiền thu được để THA và không còn tài sản khác hoặc tài sản khác không dủ dể dảm bảo nghĩa vụ THA thì tài sản dó vẫn bị kề biền, xừ lỷ để THA, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Khi kê biên tài sản, nếu có người khác tranh chấp thì Chấp hành viên thông báo cho đương sự, người có tranh chấp thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 75 Luật THADS”.

Để đảm bảo quyền được thỏa thuận của đương sự và người liên quan; việc tổ chức THA được kịp thời và không làm phát sinh các chi phí cần thiết, Chấp hành viên thông báo cho các bên liên quan về việc thực hiện thỏa thuận và khôi phục tình trạng tài sản (có sự chứng kiến của Chấp hành viên) trước khi thực hiện quyền khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền.

7. Theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP thì Thủ trưởng cơ quan THADS có thẩm quyền chủ động ra quyết định THA đối với các khoản bồi thường cho Nhà nước trong các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP lại quy định: "Hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được THA đối với khoản tiền, tài sản thuộc sở hữu nhà nước không yêu cầu THA thì cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp của cơ quan, tổ chức doanh nghiệp đỏ có trách nhiệm chỉ đạo việc yêu cầu THA”.

Việc quy định không thống nhất trên, dẫn đến hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa một số bản án tuyên buộc đương sự phải bồi thường tiền, tài sản thuộc sở hữu nhà nước nhưng Cơ quan THADS chưa ra quyết định THA do cơ quan, tổ chức doanh nghiệp được THA chưa có đơn yêu cầu THA (Thanh Hóa).

Trả lời: Với nội dung câu hỏi trên của VKSND tỉnh Thanh Hóa cho thấy đã có sự nhầm lẫn trong nhận thức và áp dụng pháp luật, cụ thể: Khoản 3 Điều 6 Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định về THA chủ động, còn khoản 3 Điều 3 Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định về thời hạn THA theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được THA đối với khoản tiền, tài sản thuộc sở hữu nhà nước và trách nhiệm chỉ đạo yêu cầu THA của cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp của cơ quan, tổ chức doanh nghiệp đó.

Hiện nay, khoản 3 Điều 6 Nghị định 62/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 (khoản 3 Điều 6 Nghị định hợp nhất số 1357/VBHN-BTP ngày 14/4/2020), cụ thể như sau: “Các khoản thu khác cho Nhà nước thuộc diện cơ quan thi hành án chủ động ra quyết định thi hành án quy định tại điểm c khoản 2 Điều 36 Luật THADS bao gồm\ Khoản truy thu thuế; khoản viện trợ cho Nhà nước; khoản bồi thường cho Nhà nước, cơ quan nhà nước hoặc doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trong các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng; khoản thu nộp trực tiếp vào ngân sách nhà nước”.

Như vậy, tất cả các khoản bồi thường cho Nhà nước, cơ quan nhà nước hoặc doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trong các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng đều thuộc diện chủ động thi hành án; đối với các khoản bồi thường cho doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ dưới 100%) vốn điều lệ trong các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng thì thuộc diện THA theo đơn yêu cầu và trường hợp này vẫn áp dụng thời hiệu quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 62/2015/NĐ-CP (khoản 3 Điều 3 Nghị định hợp nhất số 1357/VBHN-BTP ngày 14/4/2020).

8. Chưa có văn bản pháp luật quy định cụ thể đối với các trường hợp đấu giá không có người mua tài sản, trung tâm bán đấu giá đơn phương chấm dứt hợp đồng. Thực tiễn tại địa phương đang gặp khó khăn, vướng mắc trong việc tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất đã kê biên, bán đấu giá tài sản và giảm giá tài sản nhiều lần nhưng chưa có khách hàng đăng ký mua tài sản đấu giá, sau đó phía Trung tâm bán đấu giá đơn phương chấm dứt hợp đồng tồ chức việc bán đấu giá, trả lại hồ sơ cho Cơ quan THADS. Trong trường hợp này, Chấp hành viên tiếp tục ký hợp đồng bán đấu giá với trung tâm đấu giá khác nhưng giá để bán đấu giá là giá đã giảm giá của giá trong thông báo bán đấu giá cuối cùng tại trung tâm đấu giá trước hay giá của tổ chức thẩm định giá ban đầu là giá khởi điểm bán đấu giá (Thanh Hóa)

Trả lời: Việc Trung tâm bán đấu giá đơn phương chấm dứt Hợp đồng khi tổ chức bán đấu giá tài sản THA không có người mua được điều chỉnh bằng pháp luật dân sự. Pháp luật về THADS hiện hành không quy định việc áp dụng giá khởi điểm mới (giá đã giảm lần cuối) khi có sự thay đổi tổ chức bán đấu giá.

Trong quá trình tổ chức bán đấu giá, khi không có người đăng ký tham gia đấu giá, Chấp hành viên thực hiện giảm giá tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 104 Luật THADS; việc giảm giá được thông báo cho các bên đương sự biết. Do vậy, để tổ chức THA được kịp thời, không làm phát sinh các chi phí không cần thiết trong việc đi lại, liên hệ... , thông thường khi ký Hợp đồng mới về bán đấu giá tài sản thì lấy giá đã giảm lần cuối được các bên đương sự biết, chấp nhận để làm giá khởi điểm.

9. Chưa có quy định thời hạn Cơ quan THADS phải trả lời kiến nghị của VKS và chế tài đối với các cơ quan không thực hiện các yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị trong công tác THADS (Thái Nguyên; Đăk Lăk).

Trả lời: Tại điểm e khoản 1 Điều 23 Luật THADS đã quy định rõ Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan THADS có nhiệm vụ “trả lời kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát”. Do đó, đối với bất kỳ kiến nghị, kháng nghị nào của Viện kiểm sát đối với Cơ quan THADS thì dù đồng ý hay không đồng ý, Cơ quan THADS cũng có trách nhiệm trả lời. Tuy nhiên, Luật THADS chỉ quy định thời hạn Cơ quan THADS trả lời kháng nghị của Viện kiểm sát (tại Điều 161), không có quy định thời hạn trả lời kiến nghị của Viện kiểm sát. Để xác định việc các Cơ quan THADS có thực hiện kiến nghị của Viện kiểm sát hay không, cần tiến hành phúc tra việc thực hiện kiến nghị theo quy định tại khoản 3 Điều 34 Quy chế công tác kiểm sát THADS, THAHC ban hành theo Quyết định số 810/QĐ-VKSTC ngày 20/12/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao.

Về việc quy định chế tài đối với các cơ quan không thực hiện yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát trong THADS: Viện kiểm sát là cơ quan kiểm sát việc THADS, có trách nhiệm phát hiện vi phạm và kiến nghị, kháng nghị vi phạm đó đến cơ quan có thẩm quyền (cơ quan để xảy ra vi phạm hoặc cơ quan quản lý cơ quan để xảy ra vi phạm) để phòng ngừa, khắc phục, xử lý vi phạm. Viện kiểm sát không trực tiếp xử lý vi phạm đó. Vi vậy, khi phát hiện vi phạm đến mức độ phải xử lý kỷ luật, xử lý hành chính, Viện kiểm sát phải kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền xử lý; nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì đơn vị, Viện kiểm sát phát hiện vi phạm phải thông báo vi phạm đến Cơ quan Điều tra của VKSND tối cao để xem xét, giải quyết.

10. Chưa có quy định áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với Chủ tịch UBND trong thi hành án hành chính (Đăk Lăk).

Trả lời: Việc thi hành án hành chính (THAHC) được thực hiện theo quy định tại Chương XIX Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định thời hạn, trình tự, thù tục thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án (viết tắt là Nghị định số 71/2016/NĐ-CP).

Nghị định số 71/2016/NĐ-CP quy định rõ việc xử lý trách nhiệm trong THAHC bao gồm: Trách nhiệm kỷ luật áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức trong THAHC; Xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân cố ý không chấp hành án hoặc cản trở THA; Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi không THA, không chấp hành án, cố ý cản trở việc THA có đủ yếu tố cấu thành tội phạm; Trách nhiệm vật chất áp dụng đối với người phải THA trong quá trình THA mà gây ra thiệt hại. Đồng thời, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP còn quy định các biện pháp xử lý khác tại Mục 3 và nhiệm vụ, quyền hạn của ủy ban nhân dân các cấp phải nghiêm chỉnh thực hiện nghĩa vụ của người phải THA (khoản 2 Điều 34), nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan THADS trong việc xử lý, đề xuất, đề nghị, kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm trong vi phạm pháp luật về THAHC (Điều 35). Vì vậy, việc xử lý trách nhiệm của Chủ tịch ủy ban nhân dân có vi phạm pháp luật về THAHC phải căn cứ vào những quy định của Nghị định 71/2016/NĐ-CP nêu trên.

Trên đây là nội dung trả lời về những khó khăn, vướng mắc trong nhận thức và áp dụng pháp luật về thi hành án dân sự để Viện kiểm sát nhân dân các cấp nghiên cứu, vận dụng khi thực hiện công tác kiểm sát thi hành án dân sự

Previous Post Next Post

{Dân sự}

{Trao đổi nghiệp vụ}