Rút kinh nghiệm trong kiểm sát thi hành án dân sự về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế

Qua kiểm sát hồ sơ tổ chức thi hành án dân sự về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao (Vụ 11) tổng hợp một số dạng vi phạm của Chấp hành viên, Cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) trong việc tổ chức thi hành án và vi phạm của các tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án, thông báo đến VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, để rút nghiệm khi thực hiện công tác kiểm sát THADS, cụ thể như sau:

Rút kinh nghiệm trong kiểm sát thi hành án dân sự về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế

I. VI PHẠM CỦA CHẤP HÀNH VIÊN, CƠ QUAN THADS

Đối với những vụ việc THADS về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế thường có nhiều người phải thi hành án (THA) và các khoản nghĩa vụ phải tổ chức thi hành lớn, nhất là việc kê biên, xử lý nhiều tài sản đảm bảo THA (đa số là bất động sản) nên nhiều trường họp Chấp hành viên (CHV) chỉ tập trung giải quyết, xử lý đối với những tài sản dễ thi hành, còn những tài sản có khó khăn, vướng mắc sẽ chậm đưa ra tổ chức thi hành, dẫn đến việc chậm thu hồi tài sản cho Nhà nước và người được THA.

Qua kiểm sát hồ sơ tổ chức THADS về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, VKSND tối cao (Vụ 11) đã phát hiện những vi phạm có tính phổ biến của CHV, Cơ quan THADS như: Chậm xác minh điều kiện THA; ra Quyết định chưa có điều kiện thi hành án không đảm bảo căn cứ; chậm thông báo THA; chậm thanh toán tiền THA; không ra quyết định hoãn THA trong thời gian chờ Tòa án giải thích Bản án; không thông báo bằng văn bản gửi cơ quan đăng ký đất đai về việc kê biên, xử lý tài sản; không xác minh về thời hạn sử dụng đất (đối với đất nông nghiệp) trước khi tiến hành kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá; chậm ra thông báo thụ lý và giải quyết khiếu nại, tố cáo về THA.Trong đó, có một số vi phạm điển hình như:

- CHV không có hoạt động tác nghiệp tổ chức THA để xử lý tài sản trong nhiêu năm, có trường hợp sau 18 năm mới có hoạt động xác minh đối với tài sản, dẫn đến thời hạn giải quyết việc THA bị kéo dài. Vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 20 Luật THADS. 

- CHV không yêu câu Tòa án cung cấp quyết định kê biên, biên bản kê biên tài sản đảm bảo THA để có căn cứ xác minh, xử lý tài sản THA. Vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 30 Thông tư 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp.

- Khi xác minh tài sản, phát hiện có sự mâu thuẫn giữa thực tế tài sản và nội dung Bản án tuyên, nhưng CHV không kịp thời yêu cầu Tòa án giải thích Bản án; có trường hợp sau hơn 10 năm mới có văn bản yêu cầu Tòa án giải thích. Vi phạm quy định tại điểm d khoản 1 Điều 23 Luật THADS.

- Trước khi thực hiện việc ký hợp đồng thẩm định giá tài sản, CHV không thu được bản chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. CHV đã làm việc với người có tài sản, thực hiện kiểm tra thực tế bằng thuê đo vẽ, lấy kết quả đo vẽ làm căn cứ ký hợp đồng thẩm định giá. Kết quả đo vẽ có sự chênh lệch so với Giấy chứng nhận, CHV không xác minh, hỏi rõ cơ quan chuyên môn về diện tích chênh lệch thừa. Đến khi thu được bản gốc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong thời điểm tổ chức bán đấu giá, CHV đã không thực hiện việc yêu cầu Công ty bán đấu giá tài sản đăng tải những thay đổi thông tin có lợi của tài sản nhằm tăng giá trị của tài sản khi bán đấu giá. Vi phạm điểm h khoản 3 Điều 28 Nghị định 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản; điểm b khoản 2 Điều 35 Luật Đấu giá tài sản năm 2016.

- CHV ký hợp đồng dịch vụ thẩm định giá tài sản với tổ chức không được Cục quản lý giá - Bộ Tài chính cấp phép về thẩm định giá theo quy định, không được đăng tải trên cổng thông tin của Bộ Tài chính, vi phạm quy định tại điểm a khoản 5 Điều 10 Luật Giá năm 2012.

- Vi phạm khoản 4 Điều 20, khoản 4 Điều 44, khoản 3 Điều 74 Luật THADS về việc không thông báo bằng văn bản cho người đồng sở hữu tài sản biết về thời gian được quyền ưu tiên mua tài sản của đồng sở hữu trước khi ký Hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản.

- Vi phạm khoản 2 Điều 101 Luật THADS về việc chậm ký Hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản.

- Vi phạm về việc ủy thác THA: Một số trường họp đã có đủ căn cứ để ủy thác THA theo quy định tại Điều 57 Luật THADS và khoản 1, khoản 3 Điều 16 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ; Hướng dẫn nghiệp vụ về ủỵ thác THA tại điểm 4.1 Văn bản số 1103/TCTHADS ngày 30/3/2017 của Tổng cục THADS - Bộ Tư pháp, nhưng Cơ quan THADS không kịp thời thực hiện việc ủy thác thi hành án, làm phát sinh chi phí tổ chức thi hành án như: Chi phí trong việc ký Hợp đồng thẩm định giá tài sản; chi phí trong Họp đồng bán đấu giá tài sản (thông báo, niêm yết việc bán đấu giá...) và lãi suất phát sinh do kéo dài thời gian tổ chức thi hành án không đúng quy định.

- Vi phạm về việc thu hồi quyết định về THA: Có trường hợp, quá trình tổ chức THA, Cơ quan THADS đã ban hành Quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyên quyên sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng đối với tài sản bảo đảm thi hành án của người phải thi hành án. Khi Tòa án giải quyết theo thủ tục phá sản, các bên đương sự đã cấn trừ nợ cho nhau, người phải thi hành án không còn nghĩa vụ phải thi hành án, nhưng Cơ quan THADS không kịp thời ra Quyết định thu hồi Quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đôi hiện trạng đối với tài sản theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 37 Luật THADS.

- Vi phạm khoản 3 Điều 146 Luật THADS về chậm giải quyết khiếu nại, có quyết định giải quyết khiếu nại chậm hơn 02 tháng...

- Vi phạm Điều 148 và Điều 157 Luật THADS về chậm thụ lý, giải quyết tố cáo, có quyết định thụ lý tố cáo chậm 02 tháng và có việc tố cáo chậm hơn 8 tháng mới ban hành Kết luận giải quyết tố cáo...

II. VI PHẠM CỦA TỔ CHỨC THẨM ĐỊNH GIÁ, BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN THI HÀNH ÁN

1. Vi phạm của tổ chức thẩm định giá

- Tổ chức tư vấn và định giá không có chức năng thẩm định giá nhưng đã tiếp nhận, ký hợp đồng dịch vụ thẩm định giá tài sản thi hành án, vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 Điều 10, khoản 2 Điều 38 Luật Giá năm 2012, khoản 7 Điều 8 Luật Doanh nghiệp năm 2014.

- Có việc thẩm định giá chưa áp dụng đầy đủ quy định về tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam (Thông tư số 28/2015/BTC và Thông tư số 126/2015/BTC Bộ tài chính).

Tổ chức thẩm định giá đã áp dụng phương pháp so sánh để thẩm định; tìm 03 tài sản tương đồng, liên hệ qua điện thoại, tham khảo thông tin chào bán 03 tài sản này trên mạng Internet để lấy thông tin, nhưng không thực hiện việc lưu giữ các tài liệu này trong hồ sơ theo quy định tại mục 1 phần II Tiêu chuẩn Thẩm định giá Việt Nam số 05 ban hành kèm theo Thông tư số 28/2015/TT-BTC ngày 06/3/2015 của Bộ Tài chính và điểm 4 mục II Tiêu chuẩn TĐGVN số 08 ban hành kèm theo Thông tư 126/2015/TT-BTC ngày 20/8/2015 của Bộ Tài chính; điểm h mục 1.1 Phụ lục 01 ban hành kèm theo Tiêu chuẩn TĐGVN số 08.

2. Vi phạm của tổ chức bán đấu giá

- Công ty đấu giá tài sản trong quá trình tổ chức bán đấu giá đối với một số nhà, đất là QSDĐ và tài sản gắn liền trên đất đã đăng thông tin bán đâu giá trên Bản tin hàng ngày “Thị trường” của Học viện Tài chính - Bộ Tài chính, không phải là báo in, báo hình của Trung ương hoặc địa phương. Vi phạm khoản 1 Điều 57 Luật Đấu giá tài sản năm 2016. 

- Có trường hợp Công ty đâu giá tài sản tổ chức việc bán đâu giá trước thời gian được niêm yết trong Thông báo bán đấu giá tài sản. Vi phạm khoản 2 Điều 34 Luật Đấu giá tài sản năm 2016.

Trên đây là một số nội dung rút kinh nghiệm nghiệp vụ kiểm sát thi hành án dân sự về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, VKSND tối cao (Vụ 11) thông báo để Viện kiểm sát các cấp nghiên cứu, vận dụng./.

Previous Post Next Post

{Dân sự}

{Trao đổi nghiệp vụ}