Bình luận khoa học bộ luật tố tụng hình sự: Chương IX - Khởi tố vụ án hình sự


I.  Những điểm mới so với bộ luật tố tụng hình sự 2003

Nếu như Bộ luật tố tụng hình sự 2003 chỉ quy định 10 Điều luật cho Chương khởi tố vụ án hình sự và thiếu nhiều quy định quan trọng như: trình tự, thủ tục tiếp nhận nguồn tin về tội phạm, trách nhiệm, quyền hạn của Viện kiểm sát trong giai đoạn khởi tố vụ án hình sự... thì xuất phát từ vị trí và vai trò quan trọng của giai đoạn tố tụng này, BLTTHS 2015 đã sửa đổi, bổ sung thành 20 Điều luật (từ Điều 143 đến Điều 162) quy định cụ thể, chi tiết và khá toàn diện về khởi tố vụ án hình sự. Cụ thể như sau:

1. Điều 144 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 đã quy định bổ sung các khái niệm về tố giác tội phạm; tin báo về tội phạm; kiến nghị khởi tố nhằm khắc phục những vướng mắc trong thực tiễn khi xác định tố giác, tin báo về tội phạm hay kiến nghị khởi tố. Theo đó, định nghĩa rõ các khái niệm như Tố giác tội phạm, Tin báo về tội phạm, Kiến nghị khởi tố để xác định rõ chủ thể của mỗi hành vi, trách nhiệm của mỗi chủ thể, hạn chế việc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm khi tiếp nhận, xử lý tin báo hoặc tố giác tội phạm...

2. BLTTHS 2015 đã quy định cụ thể trách nhiệm và thủ tục tiếp nhận, giải quyết tố giác tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố (Điều 145, Điều 146). Theo đó, trách nhiệm tiếp nhận được c nhấn mạnh và mở rộng phạm vi cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận. Ngoài CQĐT, Viện kiểm sát thì các Cơ quan, tổ chức khác cũng có thẩm quyền tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm. Sau khi tiếp nhận các cơ quan này xem xét và chuyển cho CQĐT có thẩm quyền để giải quyết theo quy định. Thủ tục tiếp nhận được Điều 146 BLTTHS 2015 quy định cụ thể và rõ ràng theo từng giai đoạn và từng cơ quan.

3 BLTTHS 2015 sửa thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố tối đa là 04 tháng thay vì 02 tháng như hiện hành; việc gia hạn thời hạn giải quyết phải được Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp quyết định; bổ sung thời hạn phục hồi giải quyết tố giác tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố tối đa không quá 01 tháng (Điều 147, Điều 149). Như vậy, với thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố được kéo dài hơn, bảo đảm cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết có đủ điều kiện về thời gian để xác minh, làm sáng tỏ tố giác, tin báo và kiến nghị nhằm tránh những sai sót, làm oan người vô tội hay bỏ lọt tội phạm.

4. Kết thúc việc kiểm tra, xác minh, ngoài việc ban hành quyết định khởi tố vụ án hoặc không khởi tố vụ án như hiện hành thì BLTTHS 2015 còn bổ sung quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố để tháo gỡ vướng mắc, trong thực tiên thời gian qua có trường hợp đã trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp... nhưng hết thời hạn luật định mà chưa có kết quả (Điều 148).

5. Để phù hợp với Luật tổ chức VKSND năm 2014, tăng cường trách nhiệm của Viện kiểm sát nhằm chống bỏ lọt tội phạm, chống làm oan người vô tội, BLTTHS 2015 bổ sung 03 Điều luật (Điều 159, 160, 161) để quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố và kiểm sát việc khởi tố; quy định trách nhiệm của Viện kiểm sát phải giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu nhưng không được khắc phục.

6. Nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan trong hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm, các Điều luật trong chương này cũng quy định rõ quyền và trách nhiệm chuyển tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; thông báo bằng văn bản các quyết định; thẩm quyền phê duyệt của Viện kiểm sát; trách nhiệm của CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong việc thực hiện yêu cầu, quyết định của Viện kiểm sát trong việc khởi tố,...

Previous Post Next Post

{Dân sự}

{Trao đổi nghiệp vụ}