Bình luận khoa học bộ luật tố tụng hình sự 2015: Điều 144 - Tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

Khái niệm như Tố giác tội phạm, Tin báo về tội phạm, Kiến nghị khởi tố để xác định rõ chủ thể của mỗi hành vi, trách nhiệm của mỗi chủ thể, hạn chế việc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm khi tiếp nhận, xử lý tin báo hoặc tố giác tội phạm.

1. Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.

2. Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng. 

3. Kiến nghị khởi tố là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

4. Tố giác, tin báo về tội phạm có thể bằng lời hoặc bằng văn bản.

5. Người nào cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.

1. Điều luật được xây dựng trên cơ sở sửa đổi, bổ sung Điều 101 Bộ luật tố tụng hình sự 2003, quy định về khái niệm và hình thức tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

2. Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền. Nhằm mục đích đấu tranh phòng, chống tội phạm, cá nhân có quyền à nghĩa vụ tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật hình sự mà họ biết với cơ quan, tổ chức. Họ có thể tố cáo về tội phạm với bất cứ cơ quan, tổ chức nào mà họ thấy thuận tiện chứ không nhất thiết phải là CQĐT, Viện kiểm sát, Tòa án nơi cư trú hoặc nơi xảy ra hành vi có dấu hiệu tội phạm. Sự tố cáo của công dân về tội phạm được coi là tố giác. Tố giác tội phạm của cá nhân có thể bằng lời nói trực tiếp hoặc qua điện thoại, bằng văn bản (giấy) hoặc qua thư điện tử (email) gửi cho cơ quan, tổ chức. Người bị hại đến trình báo về sự kiện phạm tội liên quan đến họ (ví dụ; người bị trộm cắp, người bị chém gây thương tích...) cũng được coi là tổ giác của cá nhân.

3. Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng xã hội. Tin báo về tội phạm có thể được thể hiện bằng lời nói hoặc văn bản. Việc khởi tố vụ án hình sự dựa trên cơ sở tin báo chỉ được thực hiện sau khi CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra kiểm tra, xác minh và xác định đã có sự việc phạm tội xảy ra đúng như tin báo.

4. Kiến nghị khởi tố là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho CQĐT, Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Kiến nghị khởi tố phải được thể hiện bằng hình thức văn bản, có chứng cứ, tài liệu kèm theo.

5. Người nào cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Quy định này nhằm tránh việc cơ quan, tổ chức và cá nhân lợi dụng quyền của mình để tố giác, báo tin sai sự thật xúc phạm đến danh dự của người khác, gây lãng phí tài sản nhà nước, công sức của Cơ quan tiến hành tố tụng.

Previous Post Next Post

{Dân sự}

{Trao đổi nghiệp vụ}