Xin ly hôn có yếu tố nước ngoài


1. Vụ án "Xin ly hôn" giữa Nguyên đơn Nguyễn Thị A với Bị đơn Nguyễn Văn B:

Nguyên đơn trình bày bà và ông B quen biết do hai nhà gần nhau, năm 2006 ông B sang định cư tại Hoa Kỳ, năm 2012 hai người đăng ký kết hôn tại UBND tỉnh C, ông bà chung sống với nhau được 02 tháng thì ông B quay lại Hoa Kỳ, từ đó đến nay hai người không còn liên lạc và ông B cũng không quay trở lại Việt Nam, nên bà B làm đơn xin ly hôn. 

Tại bản án dân sự sơ thẩm 07/9/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh C, Tòa án nhận định đã thực hiện ủy thác 02 lần hợp lệ, thời gian giữa các lần ủy thác là 06 tháng nhưng đến nay vẫn không có kết quả, do đó căn cứ vào điểm b khoản 2 Điều 227 và Điều 477 để xét xử vắng mặt ông B. Việc xét xử vắng mặt ông B là đúng quy định pháp luật nhưng tuyên "về thời hạn kháng cáo của ông B là 01 tháng kể từ ngày nhận được bản án, hoặc bản án được niêm yết theo quy định" là trái với khoản 3 Điều 479 Bộ luật tố tụng dân sự quy định là 12 tháng kể từ ngày tuyên án.

2. Vụ án "Xin ly hôn" giữa Nguyên đơn Tống Thị A với Bị đơn Hsu Feng Sing:
Theo nguyên đơn bà A trình bày, bà và ông Sing sau một thời gian quen biết, năm 2007 hai người đăng ký kết hôn tại UBND tỉnh C, chung sống với nhau tại Đài Loan đến năm 2008 thì phát sinh mâu thuẫn, bà A quay về Việt Nam, từ đó đến nay hai người không còn liên lạc, nên bà A làm đơn xin ly hôn.

Tại bản án dân sự sơ thẩm ngày 07/9/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh C, nhận định Tòa án đã thực hiện ủy thác hợp lệ vào ngày 10/01/2017 nhưng đến nay vẫn không có kết quả do đó căn cứ điểm b khoản 2 Điều 227 và Điều 477 để xét xử vắng mặt ông Sing. Việc xét xử vắng mặt ông Sing là đúng quy định pháp luật nhưng tuyên "về thời hạn kháng cáo của ông Sing là 01 tháng kể từ ngày nhận được bản án, hoặc bản án được niêm yết theo quy định" là trái với khản 3 Điều 479 Bộ luật tố tụng dân sự quy định là 12 tháng kể từ ngày tuyên án.

Những vi phạm của cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm

Việc thụ lý và giải quyết vụ án xin ly hôn có yếu tố nước ngoài thường kéo dài do vướng mắc khó khăn về thủ tục ủy thác tư pháp, hầu hết các vụ án đều xét xử vắng mặt bị đơn, có vụ án xét xử vắng mặt cả nguyên đơn.

khoản 5 Điều 477 BLTTDS quy định:

5. Tòa án xét xử vắng mặt đương sự ở nước ngoài trong các trường hợp sau đây:

a) Tòa án đã nhận được kết quả tống đạt theo một trong các phương thức tống đạt quy định tại khoản 1 Điều 474 của Bộ luật này, đương sự đã cung cấp đầy đủ lời khai, tài liệu, chứng cứ và đương sự đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt họ;

b) Tòa án đã thực hiện các biện pháp quy định tại khoản 3 Điều 474 của Bộ luật này;

c) Tòa án không nhận được thông báo của cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 4 Điều này về kết quả thực hiện việc tống đạt cho đương sự ở nước ngoài.


Điều 479 BLTTDS quy định về thời hạn kháng cáo:

1. .....

2. Đương sự cư trú ở nước ngoài không có mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án là 01 tháng, kể từ ngày bản án, quyết định được tống đạt hợp lệ hoặc kể từ ngày bản án, quyết định được niêm yết hợp lệ theo quy định của pháp luật.

3. Trường hợp Tòa án xét xử vắng mặt đương sự ở nước ngoài theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 477 của Bộ luật này thì thời hạn kháng cáo là 12 tháng, kể từ ngày tuyên án.

Việc Tòa án áp dụng không đúng quy định pháp luật, tuy nhiên chưa được phát hiện và kiến nghị kịp thời làm ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. 
Previous Post Next Post

{Dân sự}

{Trao đổi nghiệp vụ}