Khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực đất đai

Qua công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính theo thủ tục giám đốc thẩm, Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhận thấy việc giải quyết vụ án hành chính về “Khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực đất đai” giữa người khởi kiện là ông Lê Văn T với người bị kiện là Chủ tịch Ủy ban nhân dân (viết tắt là UBND) tỉnh C của Tòa án nhân dân (TAND) cấp phúc thẩm giải quyết có vi phạm, cần rút kinh nghiệm, cụ thể như sau:

I. NỘI DUNG VỤ ÁN 

Phần đất tranh chấp có vị trí từ Quốc lộ 1A đến sông C.N, hiện nay đã được UNND huyện N, tỉnh C cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) số BX 107994 ngày 06/10/2015 cho bà Phan Thị H và ông Trần Như Q đối với thửa đất số 13, tờ bản đồ số 48, diện tích 200m2 tại thị trấn M, huyện N, tỉnh C. 

Theo người khởi kiện ông Lê Văn T trình bày: Năm 1986, ông nhận chuyển nhượng của ông Võ Văn M hai bang đất (đơn vị đo của người dân địa phương, không có tiêu chuẩn diện tích cụ thể). Nguồn gốc đất là của ông Trần Văn H được Nhà nước cấp năm 1976. Năm 1982, ông H chuyển nhượng cho ông Võ Văn M, đến năm 1986 ông M chuyển nhượng lại cho ông Lê Văn T. Sau khi nhận đất, gia đình ông T quản lý, sử dụng ổn định đến ngày 03/01/2006, bà Diệp Hồng D đến chặt cây của gia đình ông. Ông T khiếu nại đến Ban nhân dân ấp tổ chức hòa giải thì được biết bà D khai đất bà mua của ông Trần Văn P. Không đồng ý, ông T có đơn khiếu nại đòi đất. 

Ngày 20/7/2011, Chủ tịch UBND huyện N, tỉnh C ban hành Quyết định số 1196/QĐ-UBND về việc giải quyết khiếu nại tranh chấp đất đai giữa ông Lê Văn T với bà Diệp Hồng D, nội dung không chấp nhận yêu cầu đòi đất của ông Lê Văn T. Không đồng ý ông T tiếp tục khiếu nại. Ngày 12/11/2013, Chủ tịch UBND tỉnh C ban hành Quyết định số 1683/QĐ-UBND về việc giải quyết tranh chấp đất giữa ông Lê Văn T với bà Diệp Hồng D, nội dung bác đơn khiếu nại của ông Lê Văn T, giữ nguyên Quyết định số 1196/QĐ-UBND ngày 20/7/2011 của Chủ tịch UBND huyện N. Sau khi giải quyết khiếu nại xong, đến năm 2014, bà D đã được UBND huyện N cấp GCNQSDĐ. Năm 2015, bà D chuyển nhượng lại đất cho vợ chồng bà Phan Thị H và ông Trần Như Q. Ngày 18/10/2016, ông Lê Văn T đã khởi kiện đến TAND tỉnh C yêu cầu: 

- Hủy Quyết định số 1196/QĐ-UBND ngày 20/7/2011 của Chủ tịch UBND huyện N, tỉnh C về việc giải quyết khiếu nại tranh chấp đất đai (lần một) giữa ông Lê Văn T với bà Diệp Hồng D; 

- Hủy Quyết định số 1683/QĐ-UBND ngày 12/11/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh C về việc giải quyết tranh chấp đất (lần hai) giữa ông Lê Văn T với bà Diệp Hồng D. 

- Hủy GCNQSDĐ số BX 107994 ngày 06/10/2015 của UBND huyện N cấp cho bà Phan Thị H và ông Trần Như Q; Buộc bà Phan Thị H và ông Trần Như Q trả lại cho ông T quyền sử dụng phần đất tranh chấp. 

Người bị kiện UBND huyện N có ý kiến về nguồn gốc đất ông T theo Giấy chuyển nhượng của ông T ghi không rõ ràng về vị trí, đất tranh chấp là đất của cha con ông Ngô Văn P được cấp từ năm 1975. Đến năm 1990, ông P chuyển nhượng cho bà Diệp Hồng D. Năm 2010, phát sinh việc tranh chấp, khi giải quyết xong bà D được cấp GCNQSDĐ. Lý do UBND huyện không chấp nhận đơn khiếu nại đòi đất của ông T do ông T không có giấy tờ về đất theo quy định tại khoản 1, 2 và khoản 5 Điều 50 Luật Đất đai 2003. UBND huyện N đề nghị Toà án bác đơn khởi kiện của ông T. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Diệp Hồng D trình bày: Năm 1990, bà nhận chuyển nhượng nhà và đất của ông Ngô Văn P diện tích có chiều ngang 10m, chiều dài từ Quốc lộ (QL) 1A đến sông C.N. Sau đó, do nhà bị sập nên bà về khóm 2 để ở và vẫn lui tới phần đất trên. Năm 2006, bà đến chặt cây thì ông T báo chính quyền giải quyết, vụ việc không giải quyết dứt điểm. Đến năm 2014, sau khi giải quyết tranh chấp xong bà được cấp GCNQSDĐ. Năm 2015, bà đã sang nhượng lại đất cho vợ chồng bà Phan Thị H và ông Trần Như Q. 

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Phan Thị H có ý kiến: Vợ chồng bà mua phần đất của bà D, về thủ tục, trình tự chuyển nhượng và xin cấp GCNQSDĐ gia đình bà thực hiện đúng theo quy định pháp luật, gia đình bà đã được cấp GCNQSDĐ năm 2015, đề nghị bác đơn khởi kiện của ông T. 

II. QUÁ TRÌNH GIẢI QUYẾT CỦA TÒA ÁN 

1. Bản án hành chính sơ thẩm số 26/2018/HC-ST ngày 16/11/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh C xét xử, quyết định: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Lê Văn T. Sau khi xét xử sơ thẩm, ông Lê Văn T kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. 

2. Bản án hành chính phúc thẩm số 28/2020/HC-PT ngày 19/02/2020 của Tòa án nhân dân cấp cao, quyết định: Chấp nhận đơn kháng cáo của ông Lê Văn T; sửa Bản án hành chính sơ thẩm; chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Lê Văn T. Sau khi có bản án phúc thẩm nêu trên, bà Phan Thị H là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án có đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm gửi VKSND tối cao. 3 Ngày 27/12/2022, Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 10/QĐ-VKS-HC, nội dung đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm vụ án hành chính nêu trên theo hướng hủy toàn bộ Bản án hành chính phúc thẩm số 28/2020/HC-PT ngày 19/02/2020 của Tòa án nhân dân cấp cao; giao hồ sơ cho Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại phúc thẩm theo đúng quy định của pháp luật. 

3. Tại Quyết định giám đốc thẩm số 31/2023/HC-GĐT ngày 26/6/2023 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã quyết định chấp nhận toàn bộ kháng nghị của Viện trưởng VKSND tối cao; huỷ bản án hành chính phúc thẩm; giao hồ sơ cho Toà án cấp phúc thẩm xét xử lại theo đúng quy định của pháp luật. 

III. NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN RÚT KINH NGHIỆM

[1] Về xác định nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất của ông Lê Văn T: Năm 1986, ông T nhận chuyển nhượng hai bang rẫy từ ông Võ Văn M (ông M nhận chuyển nhượng của ông Nguyễn Văn H), có sự chứng kiến của Ban nhân dân ấp. Tuy nhiên, văn bản sang rẫy chỉ thể hiện diện tích hai bang rẫy, ngoài ra không thể hiện về vị trí, ranh giới tứ cận, chiều dài, ngang diện tích cụ thể. 

Về nguồn gốc, vị trí đất của ông Trần Văn H trình bày được tạm cấp một phần đất vào năm 1976 có giáp đất bà Út H. Căn cứ xác nhận của những người giữ chức vụ ở địa phương và đứng ra cấp đất năm 1976 cho ông H, xác nhận nội dung có cấp đất cho gia đình bà Út H phía trên lộ xe, còn khu vực ở dưới mé sông có cấp cho 03 hộ trong đó có hộ ông Ngô Văn P. Đối chiếu với Sổ Mục kê và Trích đo bản đồ địa chính năm 1992 thì thể hiện phần đất của ông Ngô Văn P là thửa số 236, 237 nằm ở vị trí cùng phía với thửa đất số 240, 241 của ông Lê Văn T từ Quốc lộ 1A đến Kênh thủy lợi. 

Theo ý kiến trình bày của những người đã giữ chức vụ ở địa phương thời điểm năm 1975 - 1976 đứng ra cấp đất và đối chiếu các tài liệu, hồ sơ về đất đai qua các thời kỳ có căn cứ khẳng định năm 1976, ông Nguyễn Văn H không được cấp phần đất có tranh chấp hiện nay vị trí từ Quốc lộ 1A đến sông C.N mà chỉ được cấp phần đất từ Quốc lộ 1A trở lên Kênh thủy lợi. Năm 1982, ông H sang nhượng đất cho ông Võ Văn M. Năm 1986, ông M nhượng lại cho ông Lê Văn T. Sau khi nhận sang nhượng phần đất này ông T quản lý, sử dụng ổn định, đã thực hiện việc đăng ký và được Nhà nước cấp GCNQSDĐ năm 1993.

Về việc quản lý sử dụng đất ông T trình bày có đặt lú bắt tôm cá, trồng cây đước, cây mắm để cải thiện đời sống trên phần đất tranh chấp. Tuy nhiên, việc ông T đặt lú bắt tôm cá, trồng cây trên đất để cải thiện đời sống không phải là căn cứ xác lập quyền sử dụng đất hợp pháp của ông T.

[2] Về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất của bà Diệp Hồng D: Năm 1990, bà D mua của ông Ngô Văn P. Đất của ông P có nguồn gốc là xã cấp đất cho dân để sinh sống và làm hàng đáy vào tháng 8/1975. Việc sang nhượng có làm giấy thể hiện nội dung có bàn cận, kế cận chứng kiến và đất có vị trí tứ cận 4 và thể hiện phía Đông giáp lộ xe (nay là QL 1A) phù hợp với việc năm 1986, phần đất ông T nhận chuyển nhượng đã có lộ xe cắt ngang phía trước phần đất ông T nhận sang nhượng. Theo Đơn xin xác nhận nguồn gốc đất của bà D có xác nhận của Ban nhân dân ấp ngày 10/01/2013, có nội dung thể hiện bà D sang nhượng phần nhà và đất ở của ông Ngô Văn P vào năm 1990 và bà D quản lý và sử dụng cho đến năm 2013 là đúng sự thật. Biên bản làm việc ngày 21/3/2013 và ngày 30/5/2013 của các hộ dân sống lâu năm tại địa phương xác nhận ông Ngô Văn P đã ở trên phần đất tranh chấp trước năm 1975 và có những người bàn cận, kế cận chứng kiến việc sang nhượng nhà và đất giữa ông P với bà D là đúng sự thật. 

Tại trích Bản đồ đo đạc năm 2012, thể hiện phần đất tranh chấp là thửa đất số 13, diện tích 292,6m2 , loại đất “ODT+LNK” tên chủ sử dụng là Diệp Hồng D đăng ký kê khai. 

Như vậy, xét về nguồn gốc đất thì bà D có nguồn gốc đất rõ ràng, quá trình sử dụng đất bà D có kê khai, đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Trong khi đó, ông T không có quyền sử dụng hợp pháp đối với diện tích đất tranh chấp. Do vậy, việc Chủ tịch UBND huyện Năm Căn giải quyết khiếu nại của ông T, nội dung bác yêu cầu đòi lại đất của ông T đối với bà D là có căn cứ. 

[3] Trong vụ án này, các tài liệu về quản lý đất đai là Sổ mục kê năm 1992, Trích Bản đồ đo đạc năm 1992 xác định ông T chỉ quản lý, sử dụng phần đất tại thửa đất số 240 và 241, vị trí từ lộ đất đến Kênh thủy lợi, và ông T đã được cấp GCNQSDĐ đối với 02 thửa đất này với tổng diện tích là 16.200m2 . Đối với phần đất tranh chấp vị trí từ lộ đất đến sông C.N, căn cứ các tài liệu nêu trên thể hiện phần đất dưới mé sông chia làm 03 thửa: Thửa số 230 do ông Ngô Văn P quản lý, sử dụng; thửa số 231 do Nhà nước quản lý chưa giao cho ai; và thửa số 243 do Ban nhân dân ấp quản lý. Ông T không thực hiện việc đăng ký kê khai quyền sử dụng, không thực hiện bất kỳ nghĩa vụ tài chính nào đối với Nhà nước trên phần đất tranh chấp; ông T cũng không có các giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 1, 2 và khoản 5 Điều 50 Luật Đất đai năm 2003 (có hiệu lực tại thời điểm tranh chấp năm 2011). Do đó, việc ông T đòi lại đất là không có cơ sở. 

Tòa án cấp phúc thẩm xét xử quyết định chấp nhận đơn kháng cáo, sửa Bản án sơ thẩm, chấp nhận khởi kiện của ông Lê Văn T là không có căn cứ, không đúng với những tài liệu, chứng cứ, tình tiết khách quan của vụ án. 

Đối với việc giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm có thiếu sót trong việc chưa xem xét, đánh giá nhận định đầy đủ, toàn diện các tình tiết khách quan, các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử quyết định: “Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Lê Văn T” là có căn cứ. Vì vậy, VKSND tối cao nhận thấy không cần thiết phải hủy Bản án sơ thẩm để xét xử sơ thẩm lại, kéo dài thời gian tố tụng. 

Đối với quá trình thực hiện công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án, Viện kiểm sát cấp sơ thẩm có quan điểm xác định việc UBND các cấp ban hành các 5 quyết định hành chính là đúng quy định của pháp luật, việc đòi lại đất của ông Lê Văn T là không có cơ sở chấp nhận, đề nghị Tòa án bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông T là có căn cứ, đúng pháp luật, từ đó đã thực hiện tốt công tác kiểm sát. 

Tại cấp phúc thẩm, Viện kiểm sát cấp phúc thẩm có quan điểm đề nghị Tòa án hủy Bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm để xét xử lại là không đúng quy định của pháp luật, chưa thực hiện tốt công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án. 

Vì vậy, trong quá trình kiểm sát việc giải quyết vụ án, Kiểm sát viên cần nắm chắc các quy định của pháp luật đất đai, các văn bản hướng dẫn, nghiên cứu kỹ các tài liệu, hồ sơ về đất đai qua các thời kỳ, đối chiếu với các ý kiến, lời trình bày về nguồn gốc đất của những người có liên quan để phát biểu quan điểm giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện, đúng pháp luật. Qua đó thực hiện tốt công tác kiểm sát, phát hiện vi phạm của Tòa án, thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Viện kiểm sát cấp trên cần có quan điểm kiên quyết để bảo vệ bản án giải quyết đúng pháp luật, nâng cao vị trí, vai trò của Viện kiểm sát. 

Trên đây là vi phạm của Tòa án trong việc giải quyết vụ án hành chính, VKSND tối cao thông báo đến VKSND các cấp tham khảo và rút kinh nghiệm khi kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính tương tự./.

Previous Post Next Post

{Dân sự}

{Trao đổi nghiệp vụ}