Tranh chấp hợp đồng xây dựng

Thông qua công tác kiêm sát xét xử giám đốc thẩm vụ án tranh chấp “Hợp đồng xây dựng” giữa Nguyên đơn là Công ty S và Bị đơn là Công ty T, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội nhận thấy Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm có sai sót trong việc xác định chủ thể thanh toán và giá trị khối lượng thi công xây dựng còn lại phải thanh toán, cần rút kinh nghiệm.

1. Nội dung vụ án và quá trình giải quyết

Công ty T là Nhà thầu chính được Chủ đầu tư là Ban quản lý dự án (nay là BQLDA thuộc TCĐBVN - BGTVT) ký Hợp đồng thực hiện Dự án nâng cấp, cải tạo đường Quốc lộ 27. Quá trình thực hiện Dự án phát sinh thêm khối lượng công việc nên Chủ đầu tư đã đồng ý cho phép bổ sung thêm Công ty S là Nhà thầu phụ.

Ngày 11/5/2012, Công ty T ký kết Hợp đồng kinh tế số 97/HĐKT với Công ty S về thi công thảm Bê tông nhựa nóng C20 đoạn từ Kml85 + 00 đến Km 189 + 00 thuộc gói thầu số 01 của Dự án Quốc lộ 27. Giá trị tạm tính của Hợp đồng là 2.272.000.000 đồng. Tại mục 5.2 Điều 5 của Hợp đồng kinh tế số 97/HĐKT quy định điều khoản về tạm ứng và thanh toán thể hiện: Bên A là Công ty T ủy quyền cho Bên B là Công ty S nghiệm thu thanh toán trực tiếp với đại diện Chủ đầu tư. Bên B tự bỏ kinh phí để thi công mà không được tạm ứng. Bên A có văn bản đề nghị Chủ đầu tư thanh toán giá trị khối lượng hoàn thành do Bên B thi công vào tài khoản của Bên B. Ngày 20/11/2012 hai bên tiếp tục ký kết Phụ lục Hợp đồng số 01/PLHĐ nâng giá trị bổ sung của Hợp đồng số 97/HĐKT ngày 11/5/2012 lên thêm 402.243.077 đồng.

Tại Công văn số 4971/TCĐBVN-CQLXĐB ngày 28/11/2012 (viết tắt là Công văn số 4971), Chủ đầu tư chấp thuận và chỉ định Nhà thầu chính là Công ty T ký kết Hợp đồng với Nhà thầu phụ là Công ty S; ủy quyền cho Nhà thầu phụ nghiệm thu, thanh toán trực tiếp với đại diện Chủ đầu tư; giao đại diện Chủ đầu tư chỉ đạo Nhà thầu phụ được bổ sung lập tiến độ thi công chi tiết phần khối lượng còn lại trình đại diện Chủ đầu tư.

Quá trình thực hiện Hợp đồng, Công ty S đã hoàn thành 100% công việc theo thỏa thuận. Tại Biên bản đối chiếu công nợ ngày 12/11/2016 do Công ty S cung cấp (không có chữ ký xác nhận và đóng dấu của Công ty T) thì giá trị khối lượng công việc đã hoàn thành theo Hợp đồng kinh tế số 97/HĐKT là 3.081.662.844 đồng, Công ty S đã được Công ty T thanh toán 2.028.453.421 đồng, còn lại 1.053.209.423 đồng chưa được thanh toán.

Công ty S khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Công ty T thanh toán số tiền gốc 1.053.209.423 đồng còn thiếu cùng số tiền lãi chậm trả 1.384.909.210 đồng theo Hợp đồng kinh tế số 97/HĐKT.

Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 36/2020/KDTM-ST ngày 09/9/2020, Tòa án nhân dân quận N, thành pho H quyết định: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty S buộc Công ty T phải thanh toán đối với số tiền gốc 1.053.209.423 đồng; không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty S đối với số tiền lãi chậm trả 1.384.909.210 đồng theo Hợp đồng kinh tế số 97/HĐKT.

Tại Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 85/2021/KDTM-PT ngày 12/5/2021, Tòa án nhân dân thành phố H quyết định’. Sửa Bản án sơ thẩm; chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty S đối với số tiền lãi chậm trả 1.384.909.210 đồng; buộc Công ty T phải thanh toán cho Công ty S tổng số tiền 2.391.493.009 đồng, gồm nợ gốc 1.053.209.4234 đồng và nợ lãi 1.384.909.210 đồng theo Hợp đồng kinh tế số 97/HĐKT.

Ngày 30/9/2021, Công ty T có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án phúc thẩm.

Ngày 25/4/2022, Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội ban hành Kháng nghị giám đốc thẩm số 08/2022/KN-KDTM đối với Bản án phúc thẩm. Tại phiên tòa giám đốc thẩm, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đề nghị ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội chấp nhận Kháng nghị, hủy toàn bộ Bản án phúc thẩm và Bản án sơ thẩm để giải quyết lại.

2. Những vấn đề cần rút kinh nghiệm

Công văn số 4971 của Chủ đầu tư phù hợp với thỏa thuận tại mục 5.2 Điều 5 của Hợp đồng kinh tế số 97/HĐKT giữa Công ty T và Công ty S quy định điều khoản về tạm ứng và thanh toán, trong đó xác định đại diện Chủ đầu tư có trách nhiệm nghiệm thu thanh toán trực tiếp giá trị hợp đồng cho Nhà thầu phụ là Công ty S.

Theo Biên bản quyết toán và thanh lý hợp đồng ngày 04/10/2021 giữa đại diện Chủ đầu tư với Công ty S thể hiện số tiền đại diện Chủ đầu tư đã thanh toán cho Công ty S là 3.912.070.507 đồng, số tiền còn lại chưa thanh toán đến nay là 560.779.527 đồng.

Mặc dù trong hồ sơ thanh toán năm 2013 thể hiện, Công ty T có ký các Bảng xác nhận khối lượng công việc hoàn thành và Biên bản nghiệm thu. Nhưng thực chất Công ty T chỉ là đơn vị trung gian hỗ trợ cho Chủ đầu tư và Nhà thầu phụ liên quan đến việc nghiệm thu khối lượng hoàn thành làm cơ sở cho việc thanh toán giữa đại diện Chủ đầu tư với Công ty S. Công ty T không nhận được tiền từ Chủ đầu tư để thanh toán cho Công ty S, đồng thời Công ty T cũng không được hưởng bất kỳ lợi ích nào từ Chủ đầu tư và Công ty S. Ngoài ra, Công ty S khởi kiện yêu cầu Công ty T phải thanh toán số tiền gốc 1.053.209.423 đồng là chênh lệch so với giá trị còn lại mà đại diện Chủ đầu tư đã xác nhận đến nay còn nợ chưa thanh toán cho Công ty S là 560.779.527 đồng.

Như vậy, trong vụ án này, đại diện Chủ đầu tư đang là người thanh toán và đã thanh toán giá trị khối lượng hoàn thành thi công xây dựng cho Công ty S được 3.912.070.507 đồng. Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm không yêu cầu đại diện Chủ đầu tư cung cấp hồ sơ thanh toán từng giai đoạn và quyết toán kèm theo chứng từ thanh toán từ Kho bạc Nhà nước cho các nhà thầu thi công Dự án nêu trên để làm rõ lý do và nội dung giải ngân thanh toán tiền cho Công ty S, mà chỉ sử dụng các tài liệu do Công ty S cung cấp làm căn cứ giải quyết vụ án là chưa đủ cơ sở, có thế dẫn đến việc thanh toán hai lần tiền cho cùng một nghĩa vụ đối với Công ty S.

Do những sai lầm nghiêm trọng trên, ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã chấp nhận Kháng nghị, hủy toàn bộ Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 85/2021/KDTM-PT ngày 12/5/2021 cũa Tòa án nhân dân thành phố H và Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 36/2020/KDTM-ST ngày 09/9/2020 của Tòa án nhân dân quận N; giao Hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân quận N xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Để tăng cường kỹ năng nhận diện phát hiện vi phạm, nâng cao chất lượng công tác kiểm sát giải quyết án kinh doanh thương mại nói chung, tranh chấp về Hợp đồng xây dựng nói riêng, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội thông báo dạng vi phạm đã phát hiện được để các đơn vị trong Ngành cùng tham khảo và rút kinh nghiệm./.

Previous Post Next Post

{Dân sự}

{Trao đổi nghiệp vụ}