Xác định nguồn gốc di sản và công sức đóng góp vụ án tranh chấp thừa kế tài sản

Thực hiện năng kiểm sát việc giải quyết vụ án “Tranh chấp thừa kế tài sản" giữa nguyên đơn ông Phạm Duy Từ với bị đơn ông Phạm Quang Thùy theo thủ tục phúc thẩm. Xét thấy, Tòa án cấp sơ thẩm chưa thu thập đầy đủ tài liệu chứng cứ cũng như có vi phạm trong việc đánh giá chứng cứ dẫn đến việc giải quyết vụ án ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.

1. Nội dung vụ án và quyết định của bản án sơ thấm.

Nguồn gốc thửa đất và ngôi nhà cổ gỗ lim 5 gian trên đất tại khu dân cư LS, thị trấn VB, huyện VB là của cố Phạm Đình Giảng và cố Phạm Thị Hiên để lại. Cụ Giảng, cụ Hiên có 06 người con là Phạm Thị Bảng, Phạm Đình Tụng, Phạm Văn Ký, Phạm Đình Ry, Phạm Đình Rao, Phạm Đình Tường. Sau khi cố Giảng và cố Hiên chết thì để lại nhà đất trên cho cụ Tụng, các anh em của cụ Tụng đều đồng ý với với quyền sử dụng đất của cụ Tụng, không có tranh chấp gì. '

Cụ Tụng và cụ Phạm Thị Thìn có 04 người con là Phạm Tiến Thuyết, Ngọc Tuân, Phạm Thị Mùi và Phạm Thị Hương. Khi cụ Tụng còn sống đã xin đất làm nhà cho ông Tuân, bà Hương (đến nay ông Tuân vẫn ở nhà đất do cụ Tụng làm cho, còn bà Hương đã bán nhà đất do cụ Tụng làm cho chuyển ra thành phố ở); bà Mùi lấy chồng và ở ngoài Quảng Ninh. Còn ông Thuyết ở với cụ Tụng, cụ Thìn tại nhà đất trên từ nhỏ cho đến khi lấy bà Trần Thị Lược. Năm 1986 cụ Thìn chết, năm 1990 cụ Tụng chết đều không để lại di chúc. Ông Thuyết tiếp tục quản lý sử dụng nhà đất, ông Tuân, bà Hương, bà Mùi đều không có ý kiến gì. Năm 1997, địa phương có chủ trương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đại trà, ông Thuyết đã làm thủ tục đăng ký và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với nhà đất trên, ông Tuân, bà Hương, bà Mùi đều thừa nhận việc đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Thuyết là đúng.

Ông Thuyết và bà Lược có 05 người con là Phạm Đức Thiêm (đã chết lúc hai tuổi), Phạm Quang Thùy, Phạm Thị My, Phạm Văn Tiêu, Phạm Duy Từ. Năm 1985, do nhà đông con cụ Tụng xin cho anh Thùy một mảnh đất tại mặt đường 10 khoảng 300m2 và cho thêm tiền để vợ chồng anh Thùy xây nhà. Từ năm 1990, thì ông Thuyết và bà Lược sống mỗi người một nơi, bà Lược chuyển ra sống cùng anh Thùy đến năm 2000 thì chết, không để lại di chúc. Năm 1994, ông Thuyết chung sống như vợ chồng với bà Trịnh Thị Lụa và có 01 người con chung là Phạm Đức Bình Thiên. Từ năm 1994 đến nay, bà Lụa và anh Thiên vẫn sống tại ngôi nhà gỗ lim 5 gian trên đất. Năm 2011, anh Phạm Văn Tiêu chết (anh Tiêu có vợ là chị Vũ Thị Oanh nhưng đã ly hôn năm 2006 và có hai con là Phạm Đức Cường, Phạm Thế Mạnh).

Năm 2000, ông Thuyết có cho anh Từ một phần đất nằm trong diện tích đất của gia đình (không nói rõ diện tích, chỉ có vị trí thửa đất). Năm 2002, anh Từ lấy vợ và vẫn sông cùng ông Thuyêt tại căn nhà gỗ 5 gian. Năm 2005, anh Từ xây nhà, công trình phụ trên diện tích đất được ông Thuyết cho và vẫn đi chung phần ngõ, sân, cống của thửa đất. Khi anh Từ xây nhà và khi sửa chữa nâng cấp thì các anh em, cô chú trong gia đình không ai có ý kiến gì, hiện nay gia đình anh Từ vẫn quản lý sử dung, thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước.

Năm 2014, khi ông Thuyết sức khỏe yếu đã đồng ý cho anh Từ đi làm thủ tục tách giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng anh Thùy đã gọi các cô chú về gây áp lực và xảy ra tranh chấp. Anh Từ khỏi kiện yêu cầu chia thừa kế đối với diên tích đất của bố mẹ anh (ông Thuyêt, bà Lược) để lại cho các thừa kế, không yêu cầu chia thừa kế đối với ngôi nhà gỗ 5 gian trên đất và đề nghị được giao phần đất có ngôi nhà do anh Từ xây dựng hoặc phải thanh toán cho anh Từ số tiền 980.000.000 đồng để tạo lập nơi ở mới.

Tại Bản án dân sự số 09/2020/DS-ST của Tòa án nhân dân thành phố HP, quyết định: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh Phạm Duy Từ đối với anh Phạm Quang Thùy về việc chia di sản của ông Phạm Tiến Thuyết, ủy ban nhân dân huyện VB có trách nhiệm thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 386675 do ủy ban nhân dân huyện VB cấp ngày 01/6/1997 đứng tên ông Phạm Tiến Thuyết để cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhưng người được quyền sử dụng chung hợp pháp là Phạm Tiến Thuyết, Phạm Ngọc Tuân, Phạm Thị Mùi, Phạm Thị Hương theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí, quyền kháng cáo của dương sự.

Nguyên đơn anh Phạm Duy Từ có đơn kháng cáo toàn bộ bản án.

Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 89/2021/DS-PT ngày 15/10/2021 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã tuyên hủy toàn bộ Bản án dân sự số 09/2020/DS-ST của Tòa án nhân dân thành phố HP để giải quyết lại.

2. Nội dung vi phạm cần rút kinh nghiệm

2.1. Về việc xác định nguồn gốc di sản và công sức.

Nguyên đơn anh Từ khời kiện yêu cầu chia di sản thừa kế  của ông Thuyết, bà Lược là quyền sử dụng đất đứng tên ông Thuyết trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xét thấy: Sinh thời cố Giảng, cố Hiên tạo lập được ngôi nhà gỗ 5 gian trên thửa đất (nay là thửa số 94 tờ bản đồ số 33 tại khu dân cư LS, thị trấn VB, huyện VB). Khi cố Giảng, cố Pliên chết thì nhà đất trên được giao cho cụ Tụng quản lý sử dụng, những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cố Giảng, cố Hiên không ai có tranh chấp gì và thống nhất giao cho cố Tụng, cố Thìn quản lý sử dụng nhà đất trên. Cụ Tụng, cụ Thìn chết cũng không để lại di chúc nên khối tài sản trên được xác định là di sản của cụ Tụng, cụ Thìn để lại (các đương sự đều thống nhất thừa nhận nên đây là tình tiết không phải chứng minh).

Cụ Thìn chết năm 1986, cụ Tụng chết năm 1990 đều không để lại di chúc nên ông Thuyết, ông Tuân, bà Mùi, bà Hương đương nhiên được hưởng di sản thừa kế của cụ Thìn, cụ Tụng để lại là nhà đất theo pháp luật. Do đó, tính đến thời điểm năm 1990 thì phần tài sản mà ông Thuyết đương nhiên được hưởng thừa kế là 1/4 di sản do cụ Thìn, cụ Tụng để lại và đây cũng là tài sản được hình thành trong thời kỳ tồn tại hôn nhân với bà Lược nên theo Luật hôn nhân 1960 thì đó là tài sản chung của ông Thuyết và bà Lược. Mặt khác, do nguồn gốc tài sản là nhà đất nêu trên là của cố Giảng, cố Hiên. Kể từ khi kết hôn với ông Thuyết năm 1960, bà Lược và ông Thuyết sống cùng cụ Tụng, cụ Thìn tại nhà đất trên đến năm 1990 bà Lược mới chuyển ra sống cùng anh Thùy. Như vậy, bà Lược đã có 30 năm công sức cùng bố mẹ chồng và chồng duy trì, quản lý khối tài sản thuộc thửa đất số 94 tờ bản đồ số 33 nói trên. Năm 2000, bà Lược chết không để lại di chúc thì hàng thừa kế thứ nhất của bà Lược, trong đó có anh Từ được hưởng thừa kế 1/5 di sản của bà Lược theo pháp luật. Tòa án cấp sơ thẩm xác định bà Lược không có công sức duy trì, bảo quản khối tài sản nêu trên để bác yêu cầu khởi kiện của anh Từ đối với phần tài sản thừa kế mà lẽ ra anh Từ được chia theo pháp luật là không đúng theo quy định tại Điều 651, Điều 658 của Bộ luật dân sự. 

2.2. Quyết định giải quyết vụ án không đúng pháp luật.

Năm 2002, anh Từ kết hôn với chị Hường và ở cùng ông Thuyết tại ngôi nhà gỗ 5 gian do các cụ để lại. Năm 2005, ông Thuyết cho vợ chồng anh Từ xây nhà hai tầng bê tông cốt thép, công trình phụ trên diện tích 80m2 đất (dài 16m X rộng 05m) đi chung với phần ngõ, sân, cổng trong tổng số diện tích đất sử dụng thực đo là 624m2 của thừa đất số 94 nói trên. Khi vợ chồng anh Từ, chị Hường xây nhà và quá trình sử dụng nhà đất sau đó, vợ chồng anh Từ thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước thì ông Thuyết cùng ông Tuân, bà Mùi, bà Hương cũng như anh Thùy, chị Mỵ, anh Tiêu đều biết nhưng không ai có ý kiến phản đối. Điều này phù hợp với cuộc họp gia đình ngày 04/8/2014 gồm ông Thuyết, ông Tuân, bà Mùi, bà Hương đã lập biên bản họp có sự chứng kiến và chữ ký của đại diện khu dân cư là ông Phạm Vãn Thường (Trưởng khu) với nhiều nội dung, trong đó có nội dung “Giao cho cháu Pham Duy Từ (con đẻ ông Phạm Tiến Thuyết) số diện tích đất sử dụng là 80m2 (chiều dài 16m X chiều ngang 05m)”.

Lẽ ra, khi giải quyết yêu cầu chia thừa kế của anh Từ đối với phần di sản của vợ chồng ông Thuyết, bà Lược để lại thì Tòa án cấp sơ thẩm phải xác định rõ phần di sản là tài sản chung của ông Thuyết, bà Lược và công sức của bà Lược tương đương với bao nhiêu m2 đất trong tống số 624m2 (thực đo); từ đó xác định phần thừa kế anh Từ được hưởng của ông Thuyêt, bà Lược để lại khi chia theo pháp luật, đồng thời xác định quyền sở hữu về nhà ở, công trình phụ mà vợ chồng anh Từ đã xây dựng trên 80m2 đất và được quyền sử dụng chung bao gồm sân, cổng trong thửa đất số 94. Sau khi xác định được phần tài sản mà anh Từ được hưởng của bố mẹ tương ứng với bao nhiêu m2 đất trong diện tích 80m2 đất mà vợ chồng anh Từ đã xây dựng nhà kiên cố. Nếu phần di sản anh Từ được hưởng không đủ 80m2 đất nêu trên thì anh Từ phải có nghĩa vụ thanh toán giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất còn lại đã xác định trong diện tích 80m2 nêu trên cho các hàng thừa kế.

Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội thấy cần thiết nêu lên để Viện kiểm sát nhân dân địa phương nghiên cứu rút kinh nghiệm chung nhằm nâng cao chất lượng giải quyết vụ án dân sự./.

Previous Post Next Post

{Dân sự}

{Trao đổi nghiệp vụ}