Không đủ căn cứ để xác định di chúc vô hiệu trong vụ án yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu

Thông qua công tác kiểm sát theo thủ tục giám đốc thẩm vụ án dân sự “Yêu câu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu ” giữa nguyên đơn cụ Ngô Quang Đạo với bị đơn Văn phòng công chứng LV do Tòa án nhân dân thành phố NH giải quyết tại Bản án phúc thẩm số 20/2020/DS-PT ngày 16/01/2020, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội thấy Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm có vi phạm trong việc đánh giá chứng cứ dẫn đến tuyên bố bản Di chúc số công chứng 360.2014/DC ngày 01/4/2014 do cụ Ngăm lập tại Văn phòng công chứng LV vô hiệu không có căn cứ. Viện kiếm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội thấy cần thông báo để rút kinh nghiệm chung nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát trong lĩnh vực dân sự.

Không đủ căn cứ để xác định di chúc vô hiệu trong vụ án yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu

1. Nội dung và quá trình giải quyết vụ án

Cụ Ngô Thị Ngăm sinh năm 1928, có hộ khẩu thường trú tại: số 4 ngõ 195A, phố MK, phường MK, quận HBT, thành phố NH. Ngày 01/4/2014, tại Văn phòng công chứng LV cụ Ngăm điểm chỉ bằng ngón trỏ phải vào phiếu yêu cầu công chứng và ký chữ “Ngăm” vào bản di chúc cho cháu ruột là anh Ngô Mạnh Cường được hưởng toàn bộ thửa đất số 74, tờ bản đồ số 51-1-21 và tài sản gắn liền trên đất tại số 195 MK, phường MK, quận HBT, thành phố NH theo Giấy chứng nhận quyền sử hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở số 10107351080 do UBND thành phố NH cấp ngày 03/7/2001. Ngày 27/4/2017, cụ Ngăm chết. Ông Ngô Quang Đạo nhận được bản Di chúc đồng thời tự nhận là em ruột của cụ Ngăm, ông cho rằng cụ Ngăm bị giảm sút trí nhớ, không minh mẫn và bị lừa dối khi lập di chúc, cụ Ngăm là người không biết chữ và chỉ viết được chữ “Ngăm” nên ông không đồng ý với nội dung bản di chúc của cụ Ngăm ký ngày 01/4/2014. Cụ Ngăm không có chồng, không có con, ông Đạo là người thừa kế duy nhất theo pháp luật của cụ Ngăm. Do đó, ông khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố bản di chúc số công chứng 360.2014/DC ngày 01/4/2014 của Văn phòng công chứng LV vô hiệu.

Bản án dân sự sơ thẩm số 21/2019/DSST ngày 23/9/2019 của Tòa án nhân dân quận BĐ, thành phố NH quyết định: Chấp nhận đơn khởi kiện của ông Ngô Quang Đạo. Tuyên văn bản Di chúc công chứng số 360.2014/DC ngày 01/4/2014 của Văn phòng công chứng LV vô hiệu.

Bản án dân sự phúc thẩm số 20/2020/DS-PT ngày 16/01/2020 của Tòa án nhân dân thành phố NH xử: Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn Văn phòng công chứng LV và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan anh Ngô Mạnh Cường. Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 21/2019/DSST ngày 23/9/2019 của Tòa án nhân dân quận BĐ, thành phố NH.

Ngày 25/5/2020, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội nhận được Đơn đề nghị xem xét kháng nghị giám đốc thẩm của anh Ngô Mạnh Cường với nội dung đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm nêu trên.

Ngày 28/7/2020, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội ban hành Quyết định số 24/KNGĐT-VC1-DS, kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm nêu trên theo hướng hủy án phúc thẩm, sơ thẩm để giải quyết lại.

2. Vi phạm cần rút kinh nghiệm

Bản di chúc có số công chứng 360.2014/DC ngày 01/4/2014 lập tại Văn phòng công chứng LV (địa chỉ số 50 phố VC, phường LG, quận BĐ, thành phố NH) có nội dung thể hiện cụ Ngô Thị Ngăm ký, điểm chỉ vào bản di chúc cho anh Ngô Mạnh Cường được hường toàn bộ thửa đất số 74, tờ bản đồ số 51-1-21 và tài sản gắn liền với đất tại số 195 MK, phường MK, quận HBT, thành phố NH. Bản di chúc này có lời chứng của công chứng viên Bùi Huy Cường. Trước khi ký bản di chúc, cụ Ngăm còn điểm chỉ bằng ngón trỏ phải vào phiếu yêu cầu công chứng. Kết luận giám định số 87/C09-P5 ngày 15/5/2019 của Viện khoa học hình sự - Bộ Công an và Kết luận giám định số 61/C09(P3) ngày 17/5/2019 của Viện khoa học hình sự - Bộ Công an đều kết luận chữ ký “Ngăm", chữ viết “Ngô Thị Ngăm” và dấu vân tay điểm chỉ trên bản di chúc số công chứng 360.2014/DC ngày 01/4/2014 là của cụ Ngô Thị Ngăm. Như vậy, có căn cứ khẳng định cụ Ngăm lập di chúc tại Văn phòng công chứng LV bảo đảm đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Công chứng năm 2014.

Ông Đạo cho rằng cụ Ngăm bị lừa dối khi lập di chúc vì cụ Ngăm bị giảm sút trí nhớ, không còn minh mẫn, cụ Ngăm không được đi học, không biết đọc, không biết viết mà chỉ biết viết duy nhất chữ “Ngăm” nhưng ông Đạo không có tài liệu chứng cứ, chứng minh cụ Ngăm bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và không biết chữ. Trong khi bà Nguyễn Thị Nhâm là tổ trưởng tổ dân phố số 12A phường MK (nơi cụ sinh sống trước khi chết) xác nhận: “Đến năm 2015 sức khỏe của cụ Ngăm vẫn bình thường, cụ vẫn tự sinh hoạt, vẫn minh mẫn.

Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm xác định cụ Ngăm không biết đọc, không biết viết chỉ biết viết duy nhất chữ “Ngăm”, để từ đó xử tuyên bản di chúc số công chứng 360.2014/DC ngày 01/4/2014 do cụ Ngăm lập tại Văn phòng Công chứng LV vô hiệu do vi phạm Điều 656 BLDS năm 2005 là không đủ căn cứ, ảnh hưởng đến quyền lợi của anh Ngô Mạnh Cường. 

Do bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm của Tòa án hai cấp thành phố NH có vi phạm nghiêm trọng trong việc đánh giá chứng cứ nên tại Quyết định giám đốc thẩm số 41/2021/DS-GĐT ngày 23/6/2021 của ủy ban thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử giám đốc thẩm đã chấp nhận toàn bộ kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội; Hủy bản án phúc thẩm nêu trên và bản án sơ thẩm số 21/2019/DSST ngày 23/9/2019 của Tòa án nhân dân quận BĐ, thành phố NH để xét xử lại theo quy định của pháp luật.

Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội thấy cần thông báo rút kinh nghiệm chung nhằm nâng cao chất lượng công tác kiếm sát việc giải quyết các vụ án dân sự.

Previous Post Next Post

{Dân sự}

{Trao đổi nghiệp vụ}