Bình luận Điều 126. Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội


Điều 126. Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội

1. Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

1. Khách thể của tội phạm

Tội phạm này xâm phạm quyền sống của người khác.

2. Mặt khách quan của tội phạm

Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi của một người vì bảo vệ lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác hay bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà đã chống trả lại một cách rõ ràng là quá mức cần thiết gây hậu quả chết người.

Giết người trong trường hợp do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội là hành vi của người tiến hành bắt giữ người phạm tội đã sử dụng vũ lực rõ ràng là quá mức cần thiết làm cho người bị bắt giữ chết.

Tội phạm giết người do vượt quá phòng vệ chính đáng thể hiện ở các dấu hiệu:

- Có hành vi xâm phạm các lợi ích hợp pháp đang xảy ra trên thực tế hoặc đe dọa tức khắc xảy ra.

- Người phòng vệ nhằm ngăn chặn hành vi gây thiệt hại đã sử dụng biện pháp vũ lực gây hậu quả chết người.

- Biện pháp phòng vệ là quá mức cần thiết. Việc đánh giá vượt quá giới hạn cần thiết phải căn cứ vào nhiều yếu tố khác nhau như tầm quan trọng của quan hệ xã hội cần được bảo vệ, tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại, biện pháp phòng vệ mà người phòng vệ đã sử dụng, hoàn cảnh cụ thể lúc và nơi thực hiện biện pháp phòng vệ...

Giết người do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội: Căn cứ vào Điều 126 và Điều 24 BLHS năm 2015 quy định về chế định “gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội” thì tội giết người do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội phải thỏa mãn các dấu hiệu cơ bản sau đây:

- Đối tượng bị bắt giữ là người phạm tội đã có hành vi bỏ trốn, chống lại sự bắt giữ

Điều 109 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định các biện pháp ngăn chặn, cụ thể: “Các trường hợp bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã, bắt bị can, bị cáo để tạm giam, bắt người bị yêu cầu dẫn độ”. Trong một số trường hợp người bị bắt giữ đã dùng vũ khí, công cụ, phương tiện... để chống trả lại sự bắt giữ của các lực lượng tiến hành việc bắt giữ. Vì vậy. các lực lượng này đã dùng vũ lực để bắt giữ là cần thiết.

- Việc dùng vũ lực để bắt giữ người phạm tội khi không còn biện pháp nào khác.

-  Hậu quả xảy ra là nạn nhân bị chết.

- Hậu quả chết người xảy ra là vượt quá mức cần thiết.

Để xem xét hành vi của người tiến hành việc bắt giữ có phải là vượt quá mức - cần thiết khi bắt giữ người phạm tội hay không cần phải căn cứ vào mối tương quan giữa lực lượng tiến hành việc bắt giữ và người bị bắt giữ; tính chất, mức độ nguy hiểm, cường độ tấn công chống lại việc bắt giữ, vũ khí, phương tiện của hành vi chống trả của người bị bắt giữ... Nếu biện pháp dùng vũ lực là cần thiết, hợp lý thì dù nạn nhân có chết cũng không phạm tội này.

Nếu hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết so với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại, hoàn toàn chưa đến mức phải dùng các phương tiện và phương pháp đã sử dụng để bắt giữ, dẫn đến cái chết cho nạn nhân do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội thì người bắt giữ phải chịu trách nhiệm hình sự.

3. Chủ thể của tội phạm

Là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự.


4. Mặt chủ quan của tội phạm

Tội phạm được thực hiện do cố ý. Động cơ phạm tội là nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của xã hội hoặc quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác; động cơ muốn quyết tâm bắt giữ người phạm tội. Đây là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.

5. Hình phạt

Điều 126 quy định 2 khung hình phạt.

- Khung 1 phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm trong trường hợp không có tình tiết định khung tăng nặng quy định ở khung 2.

- Khung 2 phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

6. Một số vấn đề cần lưu ý

- Hành vi chống trả lại người đang có hành vi xâm phạm tới lợi ích của Nhà nước của tập thể, bảo vệ lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác hoặc trường hợp tấn công trở lại một cách cần thiết khi bắt giữ người phạm tội mà đã làm cho người này chết nhưng xét tổng thể các yếu tố thì hành vi chống trả này là không quá mức thì dù nạn nhân có bị chết, người có hành vi chống trả đó cũng không phạm tội.

- Trường hợp người phạm tội có hành vi đáp trả khi hành vi xâm phạm tới lợi ích của Nhà nước, của tổ chức hoặc các lợi ích hợp pháp khác hoặc trường hợp khi người phạm tội bị bắt giữ chống trả lại nhưng đã kết thúc, không còn khả năng tiếp diễn trên thực tế, thì họ không phạm tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Tùy từng trường hợp cụ thể, họ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người (Điều 123) hoặc tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 125).

7. Điểm mới so với Điều 96 BLHS năm 1999

Khoản 1 bổ sung cụm từ “hoặc trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội”. Bắt giữ người phạm tội được quy định tại mục 1 biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế. Trong đó Điều 109 BLTTHS năm 2015 quy định các biện pháp ngăn chặn; “2. Các trường hợp bắt người gồm bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã, bắt bị can, bị cáo để tạm giam, bắt người bị yêu cầu dẫn độ”.


Previous Post Next Post

{Dân sự}

{Trao đổi nghiệp vụ}