Khó khăn vướng mắc liên quan đến quy định bộ luật dân sự, hôn nhân gia đình, luật đất đai, bộ luật lao động, pháp luật về tín dụng ngân hàng, thương mại, xây dựng

Những khó khăn, vướng mắc liên quan đến các quy định của Bộ luật dân sự, luật hôn nhân và gia đình, luật đất đai, bộ luật lao động, pháp luật về tín dụng ngân hàng, thương mại, xây dựng. 
1. Theo Điều 357 và Điều 468 Bộ luật dân sự (BLDS) thì trong giao dịch vay tài sản là vật sẽ không bị tính lãi có đúng không? (VKSND tỉnh Long An).

Trả lời: Điều 463 BLDS quy định: “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định Như vậy, pháp luật không loại trừ việc trả lãi đối với quan hệ vay tài sản là vật.

Mặc dù Điều 357 và Điều 468 BLDS chỉ quy định việc trả lãi đối với tài sản vay là tiền, tuy nhiên, căn cứ vào khoản 2 Điều 14 BLDS “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; trong trường hợp này, quy định tại Điều 5 và Điều 6 của Bộ luật này được áp dụng”, trường hợp vay tài sản là vật, có thỏa thuận về lãi mà có tranh chấp về việc trả lãi thì Tòa án vẫn phải thụ lý vụ án để giải quyết. Việc giải quyết phải được thực hiện theo nguyên tắc quy định tại Điều 45 BLTTDS; tài sản vay là vật có thể được quy ra giá trị bằng tiền để tính lãi suất theo Điều 468 BLDS.

2. Theo khoản 3 Điều 601 BLDS thì người sử dụng xe ô tô, xe máy (nguồn nguy hiểm cao độ) va chạm với người đi xe đạp hoặc đi bộ, khi thiệt hại xảy ra thì người sử dụng xe ô tô, xe máy không có lỗi có phải bồi thường thiệt hại cho người đi xe đạp hoặc đi bộ nếu người này chỉ do bất cẩn (lỗi vô ý) khi tham gia giao thông không? (VKSND tỉnh Bình Định).

Trả lời: Khoản 3 Điều 601 BLDS quy định: “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp...thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại... Như vậy, nếu người bị thiệt hại có lỗi vô ý thì chủ sở hữu, người chiếm hữu, người sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ không có lỗi vẫn phải bồi thường thiệt hại.

II. Quy định của Luật Hôn nhân và gia đình (Luật HNGĐ)

1. Trong thực tiễn xét xử, Tòa án thường coi ly thân là căn cứ để giải quyết cho ly hôn. Việc áp dụng pháp luật như vậy có đúng không?(VKSND tỉnh Bạc Liêu)

Trả lời: Điều 56 Luật HNGĐ quy định căn cứ để Tòa án giải quyết cho ly hôn là “vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được”. Luật không quy định về ly thân nên ly thân không phải là căn cứ để giải quyết cho ly hôn. Tuy nhiên, trên thực tế, vợ chồng ly thân là biểu hiện của vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ chồng (quy định tại Điều 19 của Luật) dẫn đến những hậu quả nêu tại Điều 56. Do vậy, nếu Tòa án ghi căn cứ cho ly hôn không chính xác thì VKS có thể kiến nghị Tòa án ghi rõ căn cứ tại Điều 56 Luật HNGĐ.

2. Luật HNGĐ không quy định căn cứ ly hôn là vợ hoặc chồng đang chấp hành án phạt tù. Vậy, trường hợp vợ hoặc chồng xin ly hôn với chồng hoặc vợ đang chấp hành án phạt tù thì không đủ cơ sở giải quyết cho ly hôn, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người xin ly hôn.

Trả lời: Theo khoản 1 Điều 56 Luật HNGĐ thì việc Tòa án quyết định cho ly hôn hay không phải có đủ 02 điều kiện: về hành vi là: vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng và về hậu quả là: tình trạng hôn nhân của của vợ, chồng trầm trọng, đòi sống chung không thế kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. Việc người chồng hoặc vợ đang chấp hành án phạt tù nếu đã vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng theo quy định tại Điều 19 của Luật và dẫn đến các hậu quả nêu trên thì Tòa án có thế cho ly hôn. Việc giải quyết phải căn cứ vào từng vụ việc cụ thế, không thế chỉ căn cứ vào việc vợ hoặc chồng đang chấp hành án phạt tù mà đương nhiên được ly hôn.

3. Điểm b khoản 2 Điều 95 Luật HNGĐ quy định: “Lợ' chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau đây:... Vợ chồng đang không có con chung”. Quy định như trên đã hạn chế quyền có con thứ hai của vợ chồng, nhất là trong trường hợp người con thứ nhất bị khuyết tật, trong khi chính sách của Nhà nước khuyến khích mỗi gia đình có một đến hai con.

Trả lời: Quy định nêu trên xuất phát từ chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta khi xây dựng chế định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo trong Luật HNGĐ năm 2014. Nếu không quy định chặt chẽ, việc mang thai hộ dễ bị lợi dụng, biến tướng và rất phức tạp trong việc bảo vệ quyền, lợi ích của các bên, nhất là của đứa trẻ được sinh ra. Vì vậy, Luật chỉ cho phép mang thai hộ nhằm giúp vợ chồng không thể tự mang thai và sinh con theo cách tự nhiên và ngay cả khi đã áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản có một đứa con chung để bảo vệ hạnh phúc gia đình. Nếu vợ chồng đã có con chung thì không được nhờ người mang thai hộ nữa.

4. Điểm a khoản 3 Điều 95 Luật HNGĐ quy định điều kiện đối với người được nhờ mang thai hộ như sau: “Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ... ”. Vậy, cơ quan nào có thẩm quyền xác nhận điều kiện này và cần các loại giấy tờ gì?

Trả lời: Theo khoản 7 Điều 2 Nghị định quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo (Văn bản hợp nhất số 02/VBHN-BYT ngày 30/01/2019 của Bộ Y tế) thì: “Người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai, hộ bao gồm: Anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì của họ; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha với họ.

Khoản 1 Điều 14 Nghị định nêu trên quy định trong Hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có tài liệu “Bản xác nhận của ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người mang thai hộ, người nhờ mang thai hộ tự mình chứng minh về mối quan hệ thân thích cùng hàng trên cơ sở các giấy tờ hộ tịch có liên quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các giấy tờ này ” (điểm g). Như vậy, ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền xác nhận người mang thai hộ là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ. Trường hợp người mang thai hộ, người nhờ mang thai hộ tự mình chứng minh về mối quan hệ thân thích cùng hàng thì họ có thể cung cấp các giấy tờ hộ tịch như sổ hộ khẩu, lý lịch, giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn...

5. Công văn số 253/TANDTC-PC ngày 26/11/2018 của TANDTC hướng dẫn giải quyết vụ án ly hôn có bị đơn là người Việt Nam ở nước ngoài nhưng không rõ địa chỉ có mâu thuẫn với quy định tại điểm b khoản 6 Điều 477 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 không? (VKSND thành phố Hải Phòng)

Trả lời: Điểm b khoản 6 Điều 477 BLTTDS quy định: “Nếu nguyên đơn, người thân thích trong nước của đương sự không cung cấp được hoặc người thân thích trong nước của đương sự từ chối cung cấp địa chỉ đúng hoặc địa chỉ mới của đương sự ở nước ngoài hoặc đương sự ở nước ngoài không có người thân thích ở Việt Nam thì Tòa án ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án. Đồng thời, Tòa án giải thích cho người khởi kiện biết quyền yêu cầu Tòa án thông báo tìm kiếm đương sự vắng mặt tại nơi cư trú hoặc yêu cầu Tòa án tuyên bố đương sự mất tích hoặc đã chết”

Trong khi đó, theo hướng dẫn tại Công văn số 253/TANDTC-PC ngày 26/11/2018 của TANDTC thì: "...trường hợp người Việt Nam ở trong nước xin ly hôn với người Việt Nam ở nước ngoài và chỉ cung cấp được địa chỉ nơi cư trú cuối cùng ở Việt Nam của bị đơn mà không cung cấp được địa chỉ của bị đơn ở nước ngoài, nếu thông qua thân nhân của bị đơn mà có căn cứ để xác định họ vẫn có liên hệ với thân nhân ở trong nước nhưng thân nhân của họ không cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn cho Tòa án cũng như không thực hiện yêu câu của Tòa án thông báo cho bị đơn biết để gửi lời khai về cho Tòa án thì coi đây là trường hợp bị đơn cố tình giấu địa chỉ, từ chối khai báo, từ chối cung cấp những tài liệu cần thiết. Nếu Tòa án đã yêu cầu đến lần thứ hai mà thân nhân của họ cũng không chịu cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn cho Tòa án cũng như không chịu thực hiện yêu cầu của Tòa án thông báo cho bị đơn biết thì Tòa án đưa vụ án ra xét xử vắng mặt bị đơn theo thủ tục chung.

Như vậy, nội dung tại Công văn số 253 là hướng dẫn về một trường hợp đặc thù: vụ án ly hôn có bị đơn là người Việt Nam ở nước ngoài thuộc trường họp được xác định là bị đơn cố tình giấu địa chỉ, từ chối khai báo, từ chối cung cấp tài liệu cho Tòa án. Quy định tại điểm b khoản 6 Điều 477 mang tính chất chung, còn hướng dẫn tại Công văn số 253 có tính đặc thù do quyền ly hôn là quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình được pháp luật bảo vệ nên không mâu thuẫn với quy định chung.
Quy định của Luật Đất đai

III. Quy định của Luật Đất đai

1 Điều 66 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai không quy định trình tự, thủ tục thu hồi đất đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai nêu tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai.

Trả lời: Điểm a và điểm b khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai bao gồm: (a) Sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm; (b) Người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất”.

Khoản 1 Điều 66 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định về trình tự, thủ tục thu hồi đất do vi phạm pháp luật như sau:

“1. Trường hợp vi phạm pháp luật mà phải thu hồi đất, khi hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm lập biên bản về vi phạm hành chính để làm căn cứ quyết định thu hồi đất.

Trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai không thuộc trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thì biên bản xác định hành vi vi phạm phải có đại diện của Ủy ban nhân dân cấp xã làm chứng để làm căn cứ quyết định thu hồi đất và được lập theo quy định sau đây:

a) Cơ quan tài nguyên và môi trường tổ chức kiểm tra để xác định hành vi vi phạm quy định tại các điểm c, d và g khoản i Điều 64 của Luật Đất đai; tổ chức thanh tra để xác định hành vi vi phạm quy định tại điểm h và điểm i khoản 1 Điều 64 của Luật Đất đai;

b) Trong thời hạn không quá 07 ngày làm việc. kê từ ngày lập biên bản, người được giao nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra có trách nhiệm gửi biên bản cho cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất để chỉ đạo thu hồi đất.

Như vậy, Nghị định số 43 chưa quy định về trình tự, thủ tục thu hồi đất trong trường hợp nêu tại điểm a khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai vì đây là trường hợp vi phạm “đã bị xử phạt vi phạm hành chỉnh về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm ”. Hành vi “người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất” tại điểm b khoản 1 Điều 64 là vi phạm không thuộc trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai nhưng việc lập biên bản xác định vi phạm lại chưa được quy định đầy đủ, cụ thể tại đoạn 2 khoản 1 Điều 66 Nghị định 43, nên không có căn cứ để thực hiện thu hồi đất theo khoản 2 Điều 64 Luật Đất đai.

2. Khoản 2 Điều 202 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải”. Tuy nhiên, Luật Đất đai không quy định loại tranh chấp đất đai nào phải qua hòa giải và loại tranh chấp đất đai nào không phải qua hòa giải.

Trả lời:

- Khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai quy định “Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai Khoản 2 Điều 202 của Luật quy định: “Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải”. Như vậy, pháp luật đất đai không giới hạn thẩm quyền của UBND cấp xã trong việc hòa giải tranh chấp đất đai, nếu các bên có đơn đề nghị hòa giải thì Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức hòa giải theo các khoản 3, 4 và 5 Điều 202 của Luật.

- Tuy nhiên, có loại tranh chấp đất đai phải qua thủ tục hòa giải tại UBND cấp xã mới có thể khởi kiện ra Tòa án được. Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/05/2017 của HĐTP TANDTC hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 BLTTDS số 92/2015/QH13 về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án hướng dẫn về “chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật” tại điểm b khoản 1 Điều 192 BLTTDS như sau: “Đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mà chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai năm 2013 thì được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Đối với tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như: tranh chấp về giao dịch liên
quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,... thì thủ tục hòa giải tại ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp không phải là điều kiện khởi kiện vụ án”.

- Tranh chấp đất đai mà đương sự yêu cầu UBND có thẩm quyền giải quyết thì tranh chấp đó phải đã được hòa giải tại UBND cấp xã mà không thành và đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai.

3. Biên bản hòa giải tranh chấp đất đai có xác nhận của UBND cấp xã có hiệu lực pháp luật không? (các VKSND: Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Ninh).

Trả lời: Biên bản hòa giải có xác nhận của UBND cấp xã có hiệu lực pháp luật: biên bản hòa giải thành là cơ sở để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (khoản 5 Điêu 202 Luật Đất đai); biên bản hòa giải không thành là tài liệu chứng minh vụ việc có đủ điều kiện khởi kiện tại Tòa án hoặc được yêu cầu UBND giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, biên bản hòa giải thành không có giá trị cưỡng chế thi hành. Sau khi có biên bản hòa giải thành có xác nhận của UBND cấp xã, đương sự có thể yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án theo quy định tại Chương XXXIII BLTTDS để bảo đảm hiệu lực thi hành của kết quả hòa giải ghi trong biên bản.

4. Khoản 5 Điều 34 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất quy định: “Đối với đất sử dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 mà có nguồn gốc do được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê thì người có đất thu hồi không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại theo quy định của Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004...”. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 35 của Nghị định này lại quy định: “Nghị định này thay thế Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004...”. Như vậy, các quy định trên có màu thuẫn nhau không?

Trả lời: Các quy định trên cần được hiểu như sau: Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất được thực hiện theo Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ kể từ ngày Nghị định có hiệu lực. Riêng đối với trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 34 Nghị định số 47 thì việc bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại vẫn được thực hiện theo quy định tương ứng tại Nghị định số 197. Quy định tại khoản 5 Điều 34 Nghị định số 47 có tính chất như một điều khoản chuyển tiếp, xử lý vấn đề phát sinh khi ban hành Nghị định nên không mâu thuẫn với quy định tại khoản 2 Điều 35 của Nghị định này.

5. Qua thực tiễn công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất cho thấy việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cơ quan có thẩm quyền còn nhiều sai sót, đặc biệt là trong giai đoạn thực hiện theo Nghị định số 64-CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ về việc ban hành hạn quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp (các VKSND: TP Hồ Chí Minh, Long An).

Trả lời: Qua thực tiễn công tác kiểm sát mà phát hiện tình trạng này thì VKS có thể kiến nghị với cơ quan đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị sai đó đính chính hoặc thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 106 Luật Đất đai năm 2013 và các điều 86, 87 Nghị định số 43/2014/NĐ- CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai năm 2013 hoặc đề nghị HĐXX hủy Quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp không đúng theo quy định tại Điều 34 BLTTDS, Điều 32 Luật TTHC.

6. Đối với đất bãi bồi ven biển, đất khó giao khó chia, đất không thuộc quỹ đất công ích hiện nay tại Hải Phòng mỗi địa phương quản lý khác nhau. Có nơi không thực hiện giao đất theo Nghị định 64-CP ngày 27/9/1993 mà địa phương vẫn quản lý chung, chỉ ký hợp đồng cho thuê với hộ gia đình, cá nhân từ năm 1987, sau đó, hộ gia đình, cá nhân đã cho người khác thuê lại. Có nơi đã cấp giấy CNQSD đất cho hộ gia đình, cá nhân theo thực tế sử dụng (theo hạn mức quy định tại Điều 129 Luật Đất đai năm 2013 nhưng nhiều hơn mức bình quân nhân khẩu tại địa phương). Khi Nhà nước quyết định thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh thì phát sinh một số vướng mắc: Ai là đối tượng bị thu hồi đất? Chế độ, chính sách bồi thường đối với người đã được cấp giấy CNQSD đất bị thu hồi đất?(VKSND thành phố Hải Phòng)

Trả lời:

- Đối tượng bị thu hồi đất là người có hợp đồng thuê đất trực tiếp với nhà nước (cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho thuê đất) theo quy định tại Điều 1 Luật Đất đai năm 1993, khoản 4 Điều 3 Luật Đất đai năm 1993 (sửa đổi, bổ sung năm 1998), khoản 2 Điều 4 Luật Đất đai năm 2003, khoản 8 Điều 3 và Điều 5 Luật Đất đai năm 2013.

- Chế độ, chính sách bồi thường đối với người đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được thực hiện theo quy định tại Điều 74, khoản 1 Điều 75 Luật Đất đai năm 2013.

7. Những vướng mắc phát sinh do quy định của Luật Đất đai 2013 và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật còn chưa đầy đủ, cụ thể, rõ ràng hoặc có mâu thuẫn với nhau được VKSND các cấp phản ánh, cụ thể là:

- Việc ghi chủ thể là hộ gia đình trên giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất gây khó khăn cho việc xác định các chủ thể tham gia giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;

- Không có quy định cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước tại điểm g khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013 nên thực tế không xử lý được vi phạm;

- Quy định tại điểm a khoản 2 Điều 37 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP về đối tượng được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất có cả “tổ chức, cá nhân nước ngoài ” là trái với quy định tại khoản 1 Điều 105 Luật Đất đai 2013;

- Quy định tại khoản 56 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ trái với quy định tại khoản 3 Điều 106 Luật Đất đai về thủ tục thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp;

- Mâu thuẫn trong các quy định về thu hồi đất, thu hồi giấy chứng nhận đã cấp tại điểm c khoản 1 Điều 64, điểm d khoản 2 Điều 106 Luật Đất đai 2013 và khoản 5 Điều 87 Nghị định số 43/2014;

- Quy định tại khoản 3 Điều 88 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP về thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã còn chưa chặt chẽ về thời hạn và thủ tục dẫn đến trên thực tế có nhiều vụ hòa giải thành sau đó các bên lại đổi ý yêu cầu giải quyết lại, làm kéo dài việc giải quyết;

- Chưa có hướng dẫn đối với trường hợp một số huyện trực thuộc tỉnh, thành phố không có đơn vị hành chính cấp xã (huyện Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, huyện cồn cỏ thuộc tỉnh Quảng Trị, huyện Bạch Long Vĩ thuộc thành phố Hải Phòng) thì việc tổ chức hòa giải tranh chấp đất đai do cơ quan nào thực hiện?

Trả lời: Qua rà soát, đối chiếu, VKSNDTC nhận thấy các ý kiến phản ánh nêu trên là chính xác. VKSNDTC đã tập hợp đầy đủ các ý kiến và kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường khắc phục trong việc soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2013 (Công văn số 3284/VKSTC-V14 ngày 25/7/2019 của Viện trưởng VKSND tối cao).
Quy định của Bộ luật Lao động (BLLĐ)

IV. Quy định của Bộ luật Lao động (BLLĐ)

Trường hợp người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật với người lao động mà người lao động đã có công việc mới, đóng bảo hiếm xã hội trước khi khởi kiện vụ án lao động hoặc trước khi Tòa án xét xử thì “những ngày người lao động không được làm việc” quy định tại Điều 42 BLLĐ được hiểu là tính đến ngày Tòa án ra bản án hay đến ngày người lao động có công việc mới? (VKSND thành pho Hải Phòng)

Trả lời: Khoản 1 Điều 42 BLLĐ quy định về nghĩa vụ của người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật như sau: “Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiếm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động'".

Như vậy, trường hợp người lao động bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật nhưng họ đã có công việc mới, đóng bảo hiểm xã hội trước khi khởi kiện hoặc trước khi Tòa án xét xử thì “những ngày người lao động không được làm việc” trong quy định trên được hiếu là tính đến ngày người lao động có công việc mới.
Quy định của pháp luật về tín dụng ngân hàng

V. Quy định của pháp luật về tín dụng ngân hàng

1. Khi ký hợp đồng tín dụng trước ngày 15/3/2017 (ngày Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tố chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng có hiệu lực thi hành), tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về việc phạt chậm trả lãi (lãi chậm trả lãi) với mức lãi suất cao hơn 10% được quy định tại điểm i) khoản 4 Điều 13 Thông tư 39. Thỏa thuận này có phù hợp với quy định của pháp luật không? (VKSND thành phố Hải Phòng)

Trả lời:

1.1. Việc các bên thỏa thuận tính lãi đối với khoản lãi chậm trả không phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm trước ngày 01/01/2017 (ngày Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực), vì:

- Điều 11 Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng chỉ quy định về lãi suất cho vay và lãi suất áp dụng đối với khoản nợ gốc quá hạn, không quy định về “lãi chậm trả lãi”. Quy định này cũng phù họp với khoản 5 Điều 474 Bộ luật Dân sự năm 2005;

- Về bản chất, “lãi chậm trả lãi” không phải là khoản phạt vi phạm hợp đồng quy định tại khoản 1 Điều 422 Bộ luật Dân sự năm 2005.

1.2. Từ ngày 01/01/2017, thỏa thuận về “lãi chậm trả lãi” phù hợp với quy định của pháp luật vì đã được Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định tại điểm a khoản 5 Điều 466 và được quy định cụ thể tại điểm b khoản 4 Điều 13 Thông tư số 39, theo đó, mức lãi suất “không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.

Khoản 1 Điều 34 Thông tư số 39 quy định: “Đối với các hợp đồng tín dụng được ký kết trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành: Tổ chức tín dụng và khách hàng tiếp tục thực hiện các nội dung trong hợp đồng tín dụng đã ký kết phù hợp với quy định của pháp luật có hiệu lực thi hành tại thời điểm ký kết hợp đồng đó hoặc thỏa thuận sửa đổi, bổ sung hợp đồng tín dụng phù hợp với quy định tại Thông tư này”.

Như vậy, nếu hợp đồng tín dụng có thỏa thuận về lãi chậm trả lãi được ký kết từ ngày 01/01/2017 nhưng mức lãi suất cao hơn mức quy định tại điểm b khoản 4 Điều 13 Thông tư 39 thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

2. Khi thực hiện hợp đồng tín dụng; nếu khách hàng đã trả tiền lãi chậm trả lãi với mức lãi suất cao hơn do pháp luật quy định thì số tiền cao hơn đã trả có được trừ vào số tiền nợ gốc tại thời điểm trả lãi theo quy định tại Điều 9 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đằng Thấm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm không? (VKSND thành phố Hải Phòng)

Trả lời:
Điều 9 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP quy định: “Hợp đồng vay tài sản có thỏa thuận về lãi suất, lãi trên nợ gốc quá hạn, lãi trên nợ lãi quá hạn cao hơn mức lãi suất, lãi trên nợ gốc quá hạn, lãi trên nợ lãi quá hạn được pháp luật quy định thì mức lãi suất, lãi trên nợ gốc quá hạn, lãi trên nợ lãi quá hạn vượt quả không có hiệu lực; số tiền lãi đã trả vượt quá mức lãi suất, lãi trên nợ gốc quá hạn, lãi trên nợ lãi quá hạn quy định được trừ vào số tiền nợ gốc tại thời điểm trả lãi; số tiền lãi đã trả vượt quá còn lại sau khi đã trừ hết nợ gốc thì được trả lại cho bên vay”.

Các khoản 1 và 2 Điều 14 Nghị quyết này quy định: Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/3/2019. Đối với những vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động đã được Tòa án thụ lý trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực nhưng kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực mới xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm thì áp dụng Nghị quyết này để giải quyết.

Do đó, Điều 9 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP được áp dụng để giải quyết vụ án trong các trường hợp sau:

- Vụ án được Tòa án thụ lý từ ngày 15/3/2019;

- Vụ án được Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý trước ngày 15/3/2019 nhưng từ ngày 15/3/2019 mới xét xử sơ thẩm; được Tòa án cấp phúc thẩm thụ lý trước ngày 15/3/2019 nhưng từ ngày 15/3/2019 mới xét xử phúc thẩm; được Tòa án cấp giám đốc thẩm, tái thẩm thụ lý trước ngày 15/3/2019 nhưng từ ngày 15/3/2019 mới xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm.

3. Khi giải quyết các vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng trong đó khách hàng đã trả hết tiền nợ gốc, lãi trên nợ gốc, chỉ còn nợ tiền lãi chậm trả lãi, các Tòa án tuyên án còn chưa thống nhất. Có Tòa án tuyên “Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất các bên thỏa thuận trong hợp đồng” Có Tòa án lại tuyên “Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 BLDS 2015”. Vậy, quyết định nào là hợp lý? (VKSND thành phố Hải Phòng)

Trả lời:

3.1. Theo các khoản 1 và 2 Điều 8 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm thì nếu hợp đồng tín dụng xác lập trước ngày 01/01/2017 mà có thỏa thuận về tiền lãi chậm trả lãi thì thỏa thuận này đã vi phạm quy định của pháp luật, Tòa án không được chấp nhận thỏa thuận này.

3.2. Đối với hợp đồng tín dụng xác lập kể từ ngày 01/01/2017 thì thỏa thuận về tiền lãi chậm trả lãi là hợp pháp. Trường hợp khách hàng đã trả hết tiền nợ gốc, lãi trên nợ gốc, chỉ còn nợ tiền lãi chậm trả lãi thì lưu ý:

Điểm a khoản 1 Điều 13 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP nêu trên quy định về việc quyết định lãi, lãi suất trong bản án, quyết định của Tòa án như sau: “Khi giải quyết. vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, cùng với việc quyết định khoản tiền mà bên có nghĩa vụ về tài sản phải thanh toán cho bên được thi hành án thì Tòa án phải quyết định trong bản án hoặc quyết, định (Phần quyết định) như sau: Đối với trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng mà các bên có thỏa thuận về việc trả lãi thì quyết định kế từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật; nếu không có thỏa thuận vê mức lãi suất thì quyết định theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015

Như vậy:

- Nếu các bên đã thỏa thuận về mức lãi suất trong hợp đồng và mức này phù hợp với quy định của pháp luật (không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả theo điểm b khoản 4 Điều 13 Thông tư số 39) thì Tòa án tuyên “phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất các bên thỏa thuận” là đúng.

- Nếu các bên không thỏa thuận về mức lãi suất trong hợp đồng và tại Tòa án thì Tòa án tuyên “phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 BLDS 2015” là đúng.

4. Việc Tòa án tuyên lãi suất đối với khoản tiền còn phải thi hành án trong các vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng còn chưa thống nhất. Có Tòa án tuyên trên cơ sở Án lệ số 08 như sau: “Kể từ ngày xét xử sơ thẩm, bị đơn vẫn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi tính trên số nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong các hợp đồng tín dụng tương ứng cho đến khi trả hết nợ gốc”. Có Tòa án lại tuyên trên cơ sở Điều 13 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP: “Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong; bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất các bên thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật” Vậy, áp dụng quy định nào là đúng? (VKSND thành phố Hải Phòng)

Trả lời: Quyết định để làm án lệ tại Án lệ số 08/2016/AL được công bố theo Quyết định số 698/QĐ-CA ngày 17/10/2016 của Chánh án TANDTC có nội dung như sau: “Đối với các khoản tiền vay của tổ chức Ngân hàng, tín dụng, ngoài khoản tiền nợ gốc, lãi vay trong hạn, lãi vay quá hạn, phí mà khách hàng vay phải thanh toán cho bên cho vay theo hợp đồng tín dụng tính đến ngày xét xử sơ thẩm, thì kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm, khách hàng vay còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này”.

Điểm a khoản 1 Điều 13 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP quy định: “Đối với trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng mà các bên có thỏa thuận về việc trả lãi thì quyết định kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật; nếu không có thỏa thuận về mức lãi suất thì quyết định theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Nghị quyết số 0l/2019/NQ-HĐTP là văn bản quy phạm pháp luật, được xây dựng trên cơ sở tống kết thực tiễn giải quyết tranh chấp về lãi, lãi suất trong họp đồng tín dụng nhiều năm qua. Vì vậy, quy định tại điểm a khoản 1 Điều 13 Nghị quyết số 01 đã khái quát và đầy đủ hơn nội dung quyết định để làm án lệ tại Án lệ số 08 (là quyết định được tuyên nhằm giải quyết một vụ án cụ thế). Tuy nhiên, việc áp dụng các quy định của Nghị quyết số 01 để giải quyết vụ án phải căn cứ vào Điều 14 (Hiệu lực thi hành) của Nghị quyết, trên cơ sở đó, mới có thể xác định Tòa án áp dụng văn bản có chính xác không.

5. “Số tiền còn phải thi hành án” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 13 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP gồm các khoản tiền nào? (VKSND thành phố Hải Phòng)

Trả lời: Điểm a khoản 1 Điều 13 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP quy định: “Đối với trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng mà các bên có thỏa thuận về việc trả lãi thì quyết định kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật; nếu không có thỏa thuận về mức lãi suất thì quyết định theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Quy định trên nhằm xác định khoảng thời gian mà bên vay phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ trả các loại lãi đã thỏa thuận trong hợp đồng là “kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong”. Các loại lãi mà các bên được phép thỏa thuận trong hợp đồng theo quy định của pháp luật là: lãi trên nợ gốc trong hạn, lãi chậm trả lãi trên nợ gốc trong hạn, lãi trên nợ gốc quá hạn. Như vậy,“số tiền còn phải thi hành án” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 13 Nghị quyết số 01 được hiểu bao gồm nợ gốc chưa trả và lãi trên nợ gốc trong hạn chưa trả.
Quy định của pháp luật về thương mại, xây dựng

VI. Quy định của pháp luật về thương mại, xây dựng

Trong các vụ án tranh chấp hợp đồng thương mại và hợp đồng xây dựng do đương sự vi phạm thời hạn thanh toán, Tòa án tuyên bên vi phạm phải thanh toán cả tiền lãi do chậm thanh toán và phạt do vi phạm thời hạn thanh toán thì có đúng quy định của pháp luật không?(VKSND thành phố Đà Nẵng)

Trả lời:

1. Về bản chất, lãi chậm thanh toán và phạt do vi phạm nghĩa vụ hợp đồng có nội dung, ý nghĩa khác nhau, cụ thể như sau:

- Phạt vi phạm là chế tài để trừng phạt và phòng ngừa vi phạm, được quy định tại Điều 300 và Điều 301 Luật Thương mại năm 2005 (áp dụng đối với hợp đồng thương mại) và khoản 1, khoản 2 Điều 146 Luật Xây dựng năm 2014 (áp dụng đối với hợp đồng xây dựng):

+ Điều 300 Luật Thương mại năm 2005 quy định: "Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thỏa thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này.

+ Điều 301 Luật Thương mại năm 2005 quy định: "Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này”.

+ Khoản 1 và khoản 2 Luật Xây dựng năm 2014 quy định: "(ỉ) ... phạt hợp đồng xây dựng phải được các bên thỏa thuận và ghi trong hợp đồng; (2) Đối với công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước, mức phạt hợp đồng không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm.... ”,

- Lãi do chậm thanh toán là khoản tiền mà bên được thanh toán đương nhiên và đáng lẽ phải được hưởng từ việc sử dụng số tiền nếu được thanh toán đúng hạn, được quy định tại Điều 306 Luật Thương mại năm 2005 như sau: "Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác ”.

Như vậy, quan điểm cho rằng lãi do chậm thanh toán là một hình thức phạt vi phạm hợp đồng là không chính xác.

2. Tham khảo quy định tại Điều 12 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm về xử lý việc không trả nợ đúng hạn trong hợp đồng vay tài sản có quy định: "Hợp đồng vay tài sản có thỏa thuận xử lý đối với hành vi không trả nợ đúng
hạn của bên vay thì Tòa án xem xét, quyết định theo nguyên tắc chỉ xử lý một lần đối với mỗi hành vi không trả nợ đúng hạn việc áp dụng phạt vi phạm, tính lãi hay hình thức khác dù đã có thỏa thuận trong hợp đồng do Tòa án căn cứ vào quy định tương ứng của pháp luật tại thời điểm xác lập hợp đồng, thời điểm tính lãi suất để xem xét, quyết định.

Do vậy, nếu tranh chấp hợp đồng mà có cả vi phạm chậm thanh toán và vi phạm khác thì có thể áp dụng cả lãi do chậm thanh toán và phạt vi phạm (nếu đã có thỏa thuận về phạt vi phạm trong hợp đồng); nếu chỉ có vi phạm chậm thanh toán thì Tòa án chỉ áp dụng một trong hai hình thức trên.

Trên đây là giải đáp một số vướng mắc về áp dụng pháp luật và nghiệp vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính để VKSND các cấp nghiên cứu, tham khảo. Quá trình thực hiện, nếu có vấn đề cần trao đổi, đề nghị phản ánh về VKSNDTC (qua Vụ 14) để xem xét, xử lý kịp thời.

Previous Post Next Post

{Dân sự}

{Trao đổi nghiệp vụ}