Rút kinh nghiệm giải quyết vụ án: Tranh chấp di sản thừa kế

Tòa án cấp sơ thẩm không đưa đầy đủ những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng nên đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của họ trong quá trình giải quyết vụ án. Các đương sự trình bày không thống nhất về nguồn gốc thửa đất đang có tranh chấp. Là một trong số những nội dung cần rút kinh nghiệm.

1. Tóm tắt nội dung vụ án

Theo đơn khởi kiện và lời khai của nguyên đơn, anh Lê Tuấn Anh trình bày:

Cụ Nguyễn Thị Uyên và cụ Đặng Văn Báo có 3 người con là ông Đặng Văn Sơn, bà Đặng Thị Vinh và ông Đặng Xuân Bảo. Cụ Báo chết năm 1986, cụ Uyên chết ngày 09/02/2008, đều không để lại di chúc, ông Đặng Xuân Bảo chết ngày 22/12/2008, có vợ là bà Nguyễn Huệ Chi và 02 con là Đặng Thương Thương và Đặng Công Thành.

Thửa đất số 02 có tổng diện tích 46,8m2 đất, trừ 12m2 đất hành lang giao thông tỉnh lộ 295, còn lại 34,8m2 ở thị trấn Đồi Ngô, huyện L đang tranh chấp có nguồn gốc vào khoảng năm 1980, cụ Nguyễn Thị Uyên và bà Đặng Thị Vinh (mẹ anh Lê Tuấn Anh) khai hoang làm quán bán hàng, tại thời điểm đó là đất thuộc hành lang an toàn giao thông. Trong quá trình sử dụng đất, cụ Uyên và bà Vinh đã được ƯBND xã Tiên Hưng nhắc nhở và xử lý giải tỏa do vi phạm hành lang an toàn giao thông. Sau khi quy hoạch thị trấn, hành lang vỉa hè quy hoạch hẹp lại, một phần diện tích đất của cụ Uyên và bà Vinh đã khai hoang, sử dụng phù hợp với quy hoạch.

Khoảng năm 1996, bà Vinh bỏ nhà đi, để anh Lê Tuấn Anh ở lại cùng với cụ Uyên. Năm 2000, anh Tuấn Anh đi làm ăn cùng ông Bảo ở Quảng Ninh. Năm 2005, cụ Nguyễn Thị Hồng (em ruột của cụ Uyên) cùng người dân địa phương hỗ trợ xây dựng cho cụ Uyên căn nhà cấp 4 như hiện nay. Sau khi cụ Uyên mất, anh Tuân Anh đưa vợ về ở căn nhà này thì vợ chồng ông Đặng Văn Sơn đã chiếm giữ nhà, đất nên anh khởi kiện yêu cầu Tòa án chia thừa kế di sản của cụ Uyên và buộc ông Sơn trả lại phần nhà, đất cho mẹ, con anh.

Phía bị đơn là ông Đặng Văn Sơn trình bày:

Năm 1976, Nhà nước thu hồi đất của gia đình ông để làm cửa hàng bách hóa, gia đình cụ Nguyễn Thị Uyên và cụ Đặng Văn Báo, bà Đặng Thị Vinh và ông Đặng Xuân Bảo đã ra ở tại mảnh đất đang có tranh chấp với anh Lê Tuấn Anh hiện nay. Năm 1980, ông lấy vợ là bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, hai vợ, chồng cùng gia đình bố mẹ chồng sinh sống ở đó.

Năm 1990, vợ chồng ông mua đất ra ở riêng, những người sinh sống còn lại ở đó gồm cụ Uyên, bà Vinh, ông Bảo và anh Tuấn Anh. Năm 1997, bà Vinh đi đâu không rõ đến nay chưa quay về. Khi bà Vinh đi khỏi địa phương, vợ chồng ông, bà đã đón cụ Uyên và cháu Tuấn Anh về nhà riêng sinh sống. Năm 2000, anh Tuấn Anh đi làm ăn cùng ông Bảo ở Quảng Ninh. Ngôi nhà là do cụ Uyên, cụ Bảo và vợ chồng ông, bà làm để mọi người cùng ở. Năm 2005, vợ, chồng ông xây lại nhà và thuê người khoan giếng, tôn tạo lại đất như ngày hôm nay. Hiện nay, vợ chồng ông quản lý và sử dụng và đang cho ông Nguyễn Tiến Dũng thuê để bán hàng.

Ồng Sơn không đồng ý trả nhà, đất cho anh Tuấn Anh vì cho rằng đất này là của cụ Uyên để lại cho vợ, chồng ông và ông có công tôn tạo đất, khoan giếng, nuôi dưỡng mẹ lúc già yếu. Ông đề nghị chia toàn bộ đất là di sản thừa kế của cụ Uyên để lại cho những người trong hàng thừa kế, đề nghị Tòa án giao cho ông được quyền sử dụng đất và ông thanh toán cho bà Vinh, cháu Thương và cháu Thành các kỷ phần thừa kế mà những người này được hưởng.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc và bà Nguyễn Huệ Chi - người giám hộ cho các cháu Đặng Thị Thương Thương và Đặng Công Thành trình bày thống nhất với nội dung trình bày và đề nghị chia di sản thừa kế của ông Sơn. Đề nghị Tòa án chia thừa kế cho hai người con của ông Bảo được hưởng đối với phần di sản của bà Uyên để lại.

Đại diện UBND huyện L trình bày:

Thửa đất đang có tranh chấp giữa ông Đặng Văn Sơn và anh Lê Tuấn Anh có tồng diện tích là 46,8m2, trừ 12m2 hành lang giao thông tỉnh lộ 295, còn lại 34,8m2, đã xây dựng 19,3m2 (trong diện tích đã xây dựng có 12m2 là hành lang an toàn giao thông tỉnh lộ 295, còn lại 7,3m2 nằm trong tổng số diện tích 34,8m2). Theo bản đồ địa chính của UBND thị trấn Đồi Ngô đo đạc năm 1999 thì diện tích đất này là thửa đất số 02, có diện tích là 35m2, theo sổ mục kê thì người đứng tên chủ sử dụng đất là bà Đặng Thị Vinh (con gái của cụ Uyên và là mẹ đẻ của anh Lê Tuấn Anh) có nguồn gốc như sau: Khoảng năm 1980, cụ Nguyễn Thị Uyên (là mẹ đẻ ông Sơn) và con gái là Đặng Thị Vinh (là mẹ đẻ anh Lê Tuấn Anh) tự ra dựng quán bán hàng, hiện trạng tại thời điểm đó là đất thuộc hành lang an toàn giao thông, cụ Uyên và bà Vinh tự khai phá và sử dụng ổn định vào mục đích đất ở thời điểm trước ngày 15/10/1993.

Năm 2005, nhân dân phố Đồi Ngô và UBND thị trấn Đồi Ngô cùng cụ Nguyễn Thị Hồng (em ruột của cụ Uyên) đã đứng ra quyên góp, xây dựng cho cụ Uyên căn nhà cấp 4 như hiện nay. Còn giếng khoan là do cụ Uyên nhờ ông Sơn thuê làm trong thời gian anh Tuấn Anh đi làm ăn ở Quảng Ninh. Năm 2008, cụ Uyên chêt không có di chúc. Năm 2009, Tuấn Anh xây dựng gia đình và muốn đưa vợ, con về sống ở đây thì ông Sơn (bác anh Tuấn Anh) đã cho người khác thuê ngôi nhà này. Sau nhiều lần hòa giải không thành, UBND huyện L đã ra quyết định số 164/QĐ-UBND ngày 26/01/2011, chấp nhận yêu cầu đòi nhà, đất của ông Tuấn Anh, xét công nhận và cấp giấy CNQSDĐ với diện tích 34,8m2 cho anh Tuấn Anh. Bà Ngọc (vợ ông Sơn) đã khiếu nại quyết định nêu trên của UBND huyện L. UBND tỉnh B đã ra quyết định số 795/QĐ-UBND ngày 23/6/2011 giữ nguyên các nội dung quyết định số 164/QĐ - CBND ngày 26/01/2011 của UBND huyện L. Ngày 27/10/2011, UBND huyện L đã cấp giấy CNQSDĐ cho vợ, chồng anh Lê Tuấn Anh và chị Nguyễn Thị Giang diện tích đất trên.

Vợ chồng ông Sơn, bà Ngọc tiếp tục khởi kiện đối với quyết định hành chính về việc cấp giấy CNQSDĐ cho anh Lê Tuấn Anh. Quá giải quyết vụ án, Tòa án nhân dân tỉnh B đã hủy toàn bộ quyết định cấp giấy CNQSDĐ cho anh Lê Tuấn Anh với lý do vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện và cấp tỉnh. Hiện nay, diện tích đất đang tranh chấp chưa được cấp giấy CNQSDĐ cho ai. Đề nghị Tòa án giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật. Đối với 12m2 đất là hành lang an toàn giao thông tỉnh lộ 295, phần đất này cụ Uyên và bà Vinh đã xây dựng nhà tạm thì đề nghị Tòa án tạm giao phần đất này cho người được quyền sử dụng đất, khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền sử dụng đến thì người được quyền sử dụng đất phải tháo rỡ công trình, giao mặt bằng cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo hộ khẩu thị trấn Đồi Ngô thiết lập năm 2000 thì số thành viên trong hộ gia đình cụ Uyên gồm có: Cụ Uyên là chủ hộ, bà Vinh là con và anh Tuấn Anh là cháu. Theo xác minh tại khu dân cư các hộ sinh sống liền kề từ trước năm 1993, ngoài cụ Uyên, bà Vinh và anh Tuấn Anh thì không có ai sinh sống trên thửa đất này. Theo sô mục kê của ƯBND thị trấn Đồi Ngô xác định người đứng tên chủ sử dụng đất là bà Vinh, nay đất đã được quy hoạch thành đất ở.

2. Quyết định của Tòa án

Tại Bản án dân sự sơ thẩm, Tòa án nhân dân huyện L đã quyết định:

Xác nhận thửa đất số 02, ở thị trấn Đồi Ngô, huyện L có diện tích là 34,8m2 thuộc quyền sử dụng của cụ Nguyễn Thị Uyên, bà Đặng Thị Vinh và anh Lê Tuấn Anh.

Xác nhận 01 nhà cấp 4 có diện tích 19,35m2 và 01 giếng khoan tại thửa đất trên là tài sản thuộc quyền sở hữu của cụ Uyên và anh Tuấn Anh. Giao cho anh Lê Tuấn Anh và bà Đặng Thị Vinh do anh Lê Tuấn Anh đại diện sử dụng 34,8m2 đất nêu trên. Trị giá 348.000.000 đồng. Tạm giao cho cho anh Tuấn Anh và bà Vinh sử dụng phần đất 12m2 là hành lang giao thông tỉnh lộ 295 và sở hữu 01 nhà cấp 4 có diện tích 19,35m2 trị giá 8.529.000 đồng, 01 giếng khoan trị giá 2.925.000 đồng đến khi quan nhà nước thu hồi phần đất nêu trên thì anh Tuấn Anh phải tháo dỡ công trình này để trả lại đất cho cơ quan nhà nước.

Anh Tuấn Anh phải thanh toán cho ông Đặng Văn Sơn giá trị phần di sản thừa kế mà ông Son được hưởng là 39.939.000 đồng, thanh toán cho Đặng Thị Thương Thương và Đăng Công Thành giá tri phần di sản thừa kế mỗi người được hưởng là 19.969.000 đồng.

Giao cho anh Tuấn Anh quản lý phần di sản thừa kế bà Đặng Thị Vinh được hưởng là 39.939.000 đồng.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ông Sơn, bà Ngọc cùng những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan kháng cáo có kháng cáo phúc thẩm.

Quá trình thụ lý giải quyết tại phiên tòa dân sự phúc thẩm, mặc dù Tòa án đã triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai nhưng ông Sơn, bà Ngọc, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan và người đại diện theo ủy quyền đều vắng mặt không có lý do chính đáng.

Do vậy, Toà án nhân dân tỉnh B đã quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với vụ án.

Tại Quyết định số 34/2018/KN-DS ngày 20/11/2018, Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã kháng nghị Quyết định đình chỉ xét xử phúc thâm và Bản án dân sự sơ thẩm theo trình tự giám đốc thẩm.

Tại Quyết định giám đốc thẩm số 49/2019/DS-GĐT ngày 30/07/2019, ủy ban thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã hủy toàn bộ Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm và Bản án dân sự sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện L giải quyết sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

3. Những vấn đề cần rút kinh nghiệm

Các đương sự trình bày không thống nhất về nguồn gốc thửa đất đang có tranh chấp. 
Nguyên đơn là anh Lê Tuấn Anh cho rằng nguồn gốc đất là của mẹ anh là bà Đặng Thị Vinh khai phá và sử dụng từ năm 1977; vợ chồng ông Đặng Văn Sơn, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc lại khẳng định năm 1976, Nhà nước thu hồi đất của gia đình ông đê xây cửa hàng bách hóa, cha, mẹ ông là cụ Nguyên Thị Uyên và cụ Đặng Văn Báo và các con là bà Đặng Thị Vinh và ông Đặng Xuân Bảo đã ra ở tại mành đất này. Đến năm 1980, bà Ngọc kết hôn với ông Son thì bà cùng sinh sống với gia đình bố mẹ chồng ở đó. Tuy nhiên, tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ thể hiện: Khoảng năm 1977, cụ Nguyễn Thị Uyên và con gái là Đặng Thị Vinh tự khai phá thửa đất để bà Vinh làm quán bán hàng. Thời diêm này, cụ Uyên, cụ Báo cùng các con đang sinh sống tại thửa đất có diện tích 150m2 cách trục lộ 31 là 20m. Năm 1989, khi bị xử lý thu hồi diện tích đất nêu trên thì cụ Uyên mới đến sinh sống cùng mẹ con bà Vinh tại đây. Ông Sơn, bà Ngọc không sống cùng gia đình cụ Uyên tại thửa đất tranh chấp.

Thửa đất có tổng diện tích là 46,8m2, trừ 12m2 hành lang giao thông tỉnh lộ 295, còn lại 34,8m2, đã xây dựng 19,3m2 (trong diện tích đã xây dựng có 12m2 là hành lang an toàn giao thông tỉnh lộ 295, còn lại 7,3m2 nằm trong tổng số diện tích 34,8m2). Theo bản đồ địa chính của UBND thị trấn Đồi Ngô đo đạc năm 1999 có diện tích là 35m2. Do bà Vinh tự khai phá và sử dụng ổn định vào mục đích đất ở vào thời điểm trước ngày 15/10/1993 nên chính quyền địa phương để bà Vinh đứng tên chủ sử dụng đất tại sổ mục kê năm 1999, nhân dân phố Đồi Ngô và UBND thị trấn Đồi Ngô cùng cụ Nguyễn Thị Hồng (em ruột của cụ Uyên) đã quyên góp, hỗ trợ xây dựng cho cụ Uyên căn nhà cấp 4 như hiện nay.

Vì vậy, Tòa án sơ thẩm xác định 34,8m2 đất đang tranh chấp thuộc quyền sử dụng của cụ Nguyễn Thị Uyên, bà Đặng Thị Vinh và anh Lê Tuấn Anh; xác nhận 01 nhà cấp 4 có diện tích 19,35m2 và 01 giếng khoan tại thửa đất trên là tài sản thuộc quyền sở hữu của cụ Uyên và anh Tuấn Anh; xác định di sản của cụ Uyên để lại là 1/3 giá trị nhà và đất nêu trên trị giá 119.8180.000 đồng là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc cùng những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan kháng cáo. Tòa án cấp phúc thẩm đã triệu tập hợp lệ lần thứ 2 đối với bà Ngọc và những người tham gia tố tụng khác nhưng những người kháng cáo đều vắng mặt nên Tòa án cấp phúc thẩm đình chỉ xét xử vụ án là đúng quy định pháp luật tố tụng dân sự.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu hồ sơ thấy rằng tại lý lịch quân nhân năm 1976 của ông Đặng Hồng Sơn (tức Đặng Văn Sơn) thể hiện: Cụ Báo và cụ Uyên có 07 người con là ông Đặng Văn Vết, sinh năm 1948; ông Đặng Văn Nam, sinh năm 1950; ông Đặng Hồng Sơn, sinh năm 1955; ông Đặng Văn Thủy, sinh năm 1958; ông Đặng Văn Tình, sinh năm 1960; bà Đặng Thị Vinh, sinh năm 1964; ông Đặng Văn Bảo, sinh năm 1967. Quá trình tham gia tố tụng, ông Sơn, bà Ngọc yêu cầu chia thừa kế di sản của cụ Uyên để lại nhưng trình bày cụ chỉ có 03 người con là ông Sơn, bà Vinh và ông Bảo.
Tuy nhiên Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm không đưa ông Vết, ông Nam, ông Thủy, ông Tình vào tham gia tố tụng với tư cách là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bỏ sót người thừa kế của cụ Uyên, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của những người này.

Để tăng cường kỹ năng nhận diện, phát hiện vi phạm, nâng cao chất lượng kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự nói chung và tranh chấp chia di sản thừa kế nói riêng, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội thông báo dạng vi phạm đã phát hiện để các đơn vị trong toàn ngành cùng tham khảo và rút kinh nghiệm

Previous Post Next Post

{Dân sự}

{Trao đổi nghiệp vụ}