Điều 181. Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện

Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.

1. Khách thể của tội phạm

Chế độ hôn nhân và gia đình được xây dựng trên nguyên tắc cơ bản: hôn nhân tự nguyện và tiến bộ, nam, nữ được quyền quyết định việc kết hôn, ly hôn theo ý muốn và theo quy định của pháp luật, không cá nhân, tổ chức nào được ép buộc họ phải kết hôn hoặc ly hôn trái với mong muốn, nguyện vọng của họ.

Các hành vi thực hiện tội phạm này gồm: cưỡng ép kết hôn; cưỡng ép ỉy hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện tiến bộ; cản trở ly hôn tự nguyện. Những hành vi này đều xâm phạm trực tiếp đến chế độ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ và cũng chính là một trong những nguyên nhân làm phát sinh mâu thuẫn trong gia đình, có thể dẫn đến những hậu quả rất nghiêm trọng như: tự sát của một hoặc cả hai bên nam, nữ; phá phách để phản kháng v.v...

2. Mặt khách quan của tội phạm

- Hành vi của tội phạm này bao gồm:

+ Hành vi cưỡng ép kết hôn, ly hôn: Đó là dùng mọi thủ đoạn để ép buộc người khác phải kết hôn hoặc ly hôn trái với ý muốn, nguyện vọng của bên nam hoặc bên nữ hoặc cả hai bên nam nữ.

+ Hành vi cản trở hôn nhân tư nguyện, tiến bộ: Là dùng mọi thủ đoạn mọi biện pháp để ngăn cản người khác duy trì quan hệ hôn nhân, buộc họ phải từ bỏ việc kết hôn hoặc chấm dứt quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ đang tồn tại-

+ Hành vi cản trở ly hôn tự nguyện: Là việc tìm mọi cách để gây khó khăn, gây trở ngại hoặc uy hiếp bằng tinh thần làm cho người nam hoặc nữ không thể ly hôn theo nguyện vọng của họ.

- Các hành vĩ nói trên chỉ cấu thành tội phạm nếu được thực hiện bằng các thủ đoạn có tính chất bạo lực về thể chất hoặc tinh thần, có thể tác động đến ý chí của người bị hại, được thể hiện bằng nhiều thủ đoạn như:

+ Thủ đoạn hành hạ, ngược đãi tức là đối xử tàn ác, tồi tệ đối với người lệ thuộc gây đau khổ về thể chất hoặc tinh thần kéo dài. Ví dụ: đánh đập hoặc thường xuyên xỉ vả, chửi bới, làm nhục. .

+ Uy hiếp tinh thần tức là đe dọa sẽ gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe danh dự, tài sản hoặc đến một lợi ích quan trọng (ví dụ như tước quyền thừa kế buộc thôi việc...) làm cho người bị dọa nạt có căn cứ lo sợ thực sự mà chịu khuất phục.

+ Yêu sách của cải là việc đưa ra đòi hỏi của cải một cách quá đáng không nhân nhượng và coi đó là một trong những điều kiện để được kết hôn hoặc ly hôn nhằm cản trở hôn nhân tự nguyện giữa đôi bên nam nữ.

+ Hoặc bằng thủ đoạn khác: có thể là buộc một bên hoặc cả hai bên đi xa nhằm chia rẽ họ; bắt cóc người không muốn lấy mình làm vợ hoặc làm chồng để buộc họ phải kết hôn trái ý muốn;

Tội phạm này có cấu thành hình thức, được coi là hoàn thành từ thời điểm người phạm tội thực hiện một trong các thủ đoạn cưỡng ép và cản trở nói trên không kể mục đích có đạt được hay không. Tuy nhiên, người có hành vi nói trên cũng phải thỏa mãn dấu hiệu “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” thì mới phải chịu trách nhiệm hình sự.

3. Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm này có thể là bất kỳ người nào đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự. Thông thường là người có ảnh hưởng nhất định trong gia đình của bên nam hay bên nữ (như: ông, bà, cha, mẹ, anh, chị...); người có ảnh hưởng trực tiếp đến bên nam hoặc bên nữ (như: người vợ cũ chồng cũ con sau khi ly hôn, người tình cũ, thủ trưởng cơ quan, đơn vị)

4. Mặt chủ quan của tội phạm

Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý, người phạm tội nhận thức được hành vi của mình là trái pháp luật, trái với ý muốn của bên nam hoặc bên nữ hoặc cả hai bên nhưng vẫn thực hiện và mong muốn họ phải khuất phục.

Động cơ và mục đích phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc để cấu thành tội phạm này.

5. Hình phạt

Điều 181 BLHS 2015 quy định một khung hình phạt: cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.

6. Điểm mới so với Điều 146 BLHS 1999

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định hành vi “cưỡng ép ly hôn”, “cản trở ly hôn” là một trong các hành vi bị pháp luật nghiêm cấm nhằm bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình. Do vậy. BLHS 2015 đã tội phạm hóa hai hành vi này để bảo vệ quyền con người trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình cũng như bảo đảm tính thống nhất và phù hợp với Luật Hôn nhân và Gia đình. Cụ thể, 

Điều 181 BLHS 2015 đã bổ sung hành vi cưỡng ép ly hôn hoặc cản trở ly hôn tự nguyện (Điều 146 BLHS 1999 chỉ quy định hành vi cưỡng ép kết hôn và cản trở kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân)

Previous Post Next Post

{Dân sự}

{Trao đổi nghiệp vụ}